Khan hiếm nước là yếu tố quan trọng nhất và có khả năng gây suy thoái đối với nền kinh tế châu Á. Ấn Độ và Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Hạn hán, khan hiếm nước sạch có thể khiến kinh tế châu Á suy thoái - Ảnh 1.
Giá trị của nước sạch với trẻ em châu Á - Ảnh: UNICEF

 

Ông Arunabha Ghosh - giám đốc điều hành của Hội đồng Năng lượng, Môi trường - nói với Đài CNBC: châu Á là một trung tâm công nghiệp đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất và điều này sẽ đòi hỏi một lượng nước dồi dào để tránh suy thoái kinh tế. 

 

Ông Ghosh nói không chỉ những ngành công nghiệp cũ như sản xuất thép, mà cả những ngành mới hơn như sản xuất chip bán dẫn và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch cần rất nhiều nước.

Nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến vượt xa nguồn cung từ 40% đến 50% vào năm 2030.

Ấn Độ, Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề 

Ấn Độ, hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do khan hiếm nước. Ngân hàng Thế giới cho biết mặc dù chiếm 18% dân số thế giới nhưng quốc gia này chỉ có đủ nguồn nước cho 4% dân số.

Hạn hán, khan hiếm nước sạch có thể khiến kinh tế châu Á suy thoái - Ảnh 2.
Đồng ruộng khô cằn ở Ấn Độ - Ảnh: EARTH.ORG

 

Theo Tổ chức tư vấn độc lập Lowy, khoảng 80% đến 90% nước ngầm của Trung Quốc không phù hợp để tiêu thụ. Một nửa số tầng nước ngầm này cũng quá ô nhiễm để sử dụng cho công nghiệp và nông nghiệp. 50% nước sông cũng không thích hợp để uống và một nửa trong số đó cũng không an toàn cho nông nghiệp.

Năm 2022, Trung Quốc trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ. Nhiệt độ tăng cao làm khô cạn các khu vực của sông Dương Tử, cản trở khả năng sản xuất thủy điện của con sông này, hiện đang là nguồn năng lượng lớn thứ hai của Trung Quốc. 

Để giảm bớt rủi ro về năng lượng, Trung Quốc đã phê duyệt số lượng nhà máy nhiệt điện than mới cao nhất kể từ năm 2015. Bắc Kinh cho phép công suất điện than mới đạt 106 gigawatt vào năm 2022, cao gấp bốn lần so với năm 2021 và tương đương với 100 nhà máy nhiệt điện lớn.

“Nước là nguyên liệu đầu vào thiết yếu để phát điện của các nhà máy điện than, và nếu nước trở nên khan hiếm hơn hoặc không có sẵn để phát điện, nhà máy đó sẽ trở nên kém hiệu quả" - ông Ghosh nói. 

Ấn Độ và Trung Quốc gần biển và sông, sẽ bị đe dọa nhiều hơn do mực nước biển dâng cao.

Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất

Đài Loan, quê hương của ngành công nghiệp bán dẫn lớn nhất châu Á, một lần nữa phải chống chọi với tình trạng thiếu nước chưa đầy hai năm, sau khi chiến đấu với đợt hạn hán tồi tệ nhất mà vùng lãnh thổ này từng chứng kiến trong một thế kỷ.

Lãnh thổ này cần một lượng nước khổng lồ để cung cấp năng lượng cho các nhà máy sản xuất chip bán dẫn cho các thiết bị kỹ thuật số.

Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp cũng có thể thấy sản lượng giảm đáng kể và an ninh lương thực sẽ gặp nhiều rủi ro hơn. Úc dự kiến năng suất cây trồng giảm kỷ lục trong năm 2023.

Các quốc gia đang phát triển khác trong khu vực cũng trong tình trạng tương tự, nhưng cuộc khủng hoảng nước của họ có thể khó giải quyết hơn.

Bà Shanshan Wang - lãnh đạo doanh nghiệp nước Singapore tại Công ty tư vấn bền vững Arup - cho biết các quốc gia như Philippines không có khả năng phục hồi tốt, vì vậy sẽ bị "mất cân bằng lớn trong cuộc khủng hoảng nước mà thế giới đang phải đối mặt”.

Theo Tuổi trẻ