Thực tế Việt Nam có đến 6 điểm cực, với 2 cực nằm trên biển và 4 cực nằm ở đất liền. Các điểm cực trị địa lý (gọi tắt điểm cực), là những địa điểm có toạ độ nằm xa nhất về 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc so với bất kỳ vị trí nào khác trên lãnh thổ Việt Nam. Việc có thể được đặt chân đến toàn bộ 4 cực luôn là niềm ao ước và đam mê của nhiều bạn trẻ, những người có sở thích chinh phục và khám phá.

Cực đông – Nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc.

Tọa độ điểm cực Đông: 12°39’21” vĩ độ Bắc và 109°27’39” kinh độ Đông.

Trước đây, Mũi Điện (Hải đăng Đại Lãnh) thuộc tỉnh Phú Yên được xem là điểm cực đông của Việt Nam.Tuy nhiên, cho đến khi chính thức được khai phá thì Mũi Đôi, Khánh Hoà lại được xem là điểm cực Đông của Việt Nam. Điều này được căn cứ thông qua các dữ liệu sau:

  • - Theo hồ sơ di tích quốc gia lưu trữ tại Cục Di sản văn hóa thì mũi Điện thuộc di tích Mũi Đại Lãnh – Bãi Môn (Phú Yên) có tọa độ 109o27’06’’ kinh độ Đông; Mũi Đôi thuộc di tích Mũi Đôi – Hòn Đôi (Khánh Hòa) có tọa độ 109o27’55’’ kinh độ Đông. Dựa vào vị trí đó trên bản đồ, đã cho thấy Mũi Đôi nằm xa hơn Mũi Điện về phía Đông. Khi nhìn trên bản đồ và vẽ một trục thẳng đứng nối 2 vị trí, ta cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy điều này.
  • - Theo số liệu đo đạc, Mũi Đôi sẽ đón bình minh sớm hơn Mũi Điện khoảng trên dưới 4 giây. Do đó, một chóp đánh dấu vị trí bằng inox đã được gắn ở vị trí này vào ngày 4/8/2012, để làm mốc cho điểm cực Đông.

Hiện nay, dù chưa có văn bản chính thức nào khẳng định lại vị trí chính thức của điểm cực Đông. Tuy nhiên, những tài liệu mới nhất đều ngầm khẳng định vị trí của cực Đông thực sự nằm ở Mũi Đôi, thuộc làng chài Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Để có thể đến được nơi này, cần phải trải qua cuộc hành trình băng qua nhiều đồi núi, bãi cát, vách đá và cả rừng rậm, nên nơi đây từ lâu đã trở thành mục tiêu chinh phục của nhiều bạn trẻ đam mê loại hình trekking.

Cực tây – cột mốc số 0

Tọa độ điểm cực Tây: 22°25’49” vĩ độ Bắc và 102°11’3″ kinh độ Đông - Nguồn Toquoc

Đây là cột mốc đánh dấu điểm giao thoa giữa 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Được dựng lên vào ngày 27/6/2005, ba mặt của cột mốc là quốc huy của ba quốc gia. Cực Tây còn có tên gọi là A Pa Chải, nới sinh sống chủ yếu của dân tộc Hà Nhì, cùng một vài những dân tộc khác. Nằm ở độ cao cách mực nước biển 1864m, nơi đây có địa hình tương đối bằng phẳng và rộng lớn, mang vẻ đẹp hùng vỹ của nùi rừng, tuy nhiên đây lại là nơi có địa hình phức tạp nhất trong 4 điểm cực. Cực Tây còn được mệnh danh là nơi “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe”.

Cực Nam – Đất mũi Cà Mau

Tọa độ điểm cực Nam: 8°34′ (hoặc 8°30′) độ vĩ Bắc, 104°40′ (hoặc 104°50′) độ kinh Đông.

Cực nam nước ta thuộc địa phận tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, cột mốc GPS001 cùng biểu tượng con tàu Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển chưa phải là toà độ chính xác. Điểm tương đối chính xác hơn nằm ở bờ biển phía Nam thuộc khu du lịch Khải Long. Nhưng GPS001 về mặt lý thuyết vẫn được công nhận là cực Nam của Tổ quốc.

Xã Đất Mũi cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 110km, trước đây phương tiện chủ yếu để di chuyển giữa hai nơi là cano. Cho đến những năm gần đây, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi đã được hoàn thiện và thông xe nên việc ghé thăm điểm cực Nam đã dễ dàng và thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Cực Bắc – Nơi địa đầu Tổ quốc

Tọa độ điểm cực Bắc: Vĩ độ: 23°22’59″B – Kinh độ: 105°20’20″Đ, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 3,3km

Điểm cực Bắc của Việt Nam hiện nay nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Vị trí chính xác của điểm cực là mỏm đá nhô ra trên bờ sông Nho Quế, thuộc thôn Sèo Lủng, là nơi phân định ranh giới của Việt Nam và Trung Quốc. Điểm cực Bắc này cách Cột cờ Lũng Cú (một địa điểm nổi tiếng tại Hà Giang) khoảng 3,3km theo đường chim bay, và cách một công trình khác được nhiều người lầm tưởng là cực Bắc do UBND huyện Đồng Văn xây dựng khoảng 1,05km theo đường chim bay. Hiện nay, có rất nhiều nguyện vọng mong muốn điểm cực Bắc của Việt Nam được công nhận một cách chính thức, có hình thức định vị - định danh cụ thể để không còn tình trạng nhầm lẫn thông tin.

Cột cờ Lũng Cú nơi cắm lá cờ rộng 54m2, đại diện cho tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em, được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, ở độ cao 1.468,73m so với mực nước biển. Đã từ lâu, nơi đây được xem là điểm “tượng trưng” cho cực Bắc, nơi địa đầu tổ quốc. Bất cứ ai đã từng đặt chân đến nơi này, đều không khỏi bồi hồi khi được tận mắt chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới, giữa nền núi rừng xanh biếc của “non sông gấm vóc” Việt Nam.