Đã 6 năm nay, anh Nguyễn Mai Văn Tâm ngày ngày đi bán vé số rồi về phòng trọ, thay người bạn thân, chăm bà Nguyễn Thị Năm (86 tuổi) bị liệt hai chân.
Sáng đầu tháng 6, tại phòng trọ nhỏ trên đường Nguyễn Trung Nguyệt (TP Thủ Đức), anh Tâm lấy hết sức bế bà Năm khẽ đặt lên ghế sau của chiếc xe điện ba bánh còn mình ngồi trước, chạy ra đường bắt đầu ngày làm việc.
"Bà Năm là mẹ của bạn thân tôi, dù không thân thích gì nhưng có lẽ cái số cho chúng tôi thành mẹ con", người đàn ông 43 tuổi nói.
Anh Nguyễn Mai Văn Tâm chở bà Nguyễn Thị Năm đi bán vé sỗ mỗi ngày. Ảnh: Quỳnh Trần
Anh Tâm sinh ra trong một gia đình khó khăn nên dang dở đường học hành từ khi chưa hết cấp 1. Năm anh 13 tuổi mẹ qua đời nên đã phải tự bươn chải mưu sinh. Ban đầu anh bán hàng rong, đồ lưu niệm cho khách Tây trên vỉa hè trung tâm Sài Gòn. Lớn hơn anh chuyển qua buôn bán rồi đi phục vụ nhà hàng, làm phụ hồ.
Hơn 20 năm trước, anh Tâm quen con trai của bà Năm. Hồi ấy bà có nhà riêng ở quận 4, anh thường ghé về chơi, ở lại ăn cơm có khi hàng tuần. "Bà xem tôi như người trong nhà, bật máy lạnh cho ngủ, quần áo giặt giùm, chi phí ăn uống không tính toán", anh Tâm nói.
Sau này gia đình bà Năm gặp khó khăn, buôn bán thua lỗ phải bán nhà, một phần chia cho 4 người con. Con gái đi lấy chồng, bà ra ở trọ cùng con trai duy nhất. Ba con khác của bà, người bị tai nạn, người mất do Covid, người con gái còn lại quá nghèo không thể lo được cho mẹ.
Cách đây 6 năm, vì gia cảnh túng quẫn, con trai bà Năm quyết định sang Thái Lan làm ăn nên nhờ anh Tâm chăm sóc mẹ già. Con đi nước ngoài chưa được bao lâu, bà Năm bị tai biến, liệt hai chân. Để tiện việc chăm sóc, anh Tâm chuyển trọ sang ở cùng, hàng ngày lo cơm nước, vệ sinh cá nhân, xoa bóp, thay tã cho bà. Cũng từ đó, anh gọi bà là "mẹ", xưng "con".
Bị liệt hai chân, bà Năm chỉ nằm một chỗ khi ở phòng trọ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do anh Tâm phụ. Ảnh: Quỳnh Trần
Thời gian đầu, người con trai có gửi tiền về nuôi mẹ. Ba năm nay vì gặp biến cố nên không thể gửi tiền, cũng chưa về nước được. Không thể bỏ rơi bà Năm, càng không muốn làm người thất hứa, anh Tâm chuyển sang phòng trọ nhỏ hơn cho tiết kiệm tiền, chọn đi bán vé số để luôn bên cạnh bà.
"Tôi chưa lập gia đình nên toàn tâm chăm sóc mẹ được. Tôi cũng không trách bạn vì hiểu người ta có nỗi khó khăn riêng", anh nói.
Một ngày của hai mẹ con bắt đầu từ sáng với 300 tờ vé số. Hai người thường bán ở ngôi miếu tại góc đường Bình Trưng – Nguyễn Đôn Tiết hoặc quanh bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, cách phòng trọ hai km. Đến trưa, anh Tâm chở mẹ về nghỉ ngơi, cơm nước trước khi đi bán vào chiều tối. Dọc đường, họ tranh thủ kiếm thêm ve chai. Thời gian nghỉ ngơi, anh Tâm thường mở cải lương trong điện thoại cho bà nghe và trực ở bên xoa bóp tay chân, chuyện trò.
Phòng trọ rộng hơn 15 m2, hai chiếc giường đã chiếm gần hết diện tích, có giá thuê 3 triệu đồng một tháng. Ngoài xe điện, vật dụng quý giá nhất là cái tủ lạnh do nguời khác tặng. Chăm sóc người già bệnh tật khiến cuộc sống của anh tất bật từ sáng đến tối. Ngoài lo ăn uống sinh hoạt, tiền thuốc thang, tã bỉm cho bà Năm khiến anh Tâm luôn thiếu trước hụt sau.
Suốt 6 năm chăm sóc mẹ già của bạn, có thời gian hai người rơi vào hoàn cảnh éo le. Có lần bế bà Năm lên xe lăn, chẳng may anh bị chấn thương lệch cột sống. Tiền viện phí không đủ, gần nửa tháng điều trị anh phải nhờ bạn bè chăm bà giùm.
"Lúc ấy tôi rất túng quẫn, thấy cuộc sống đầy bế tắc. Ra viện, bác sĩ khuyên không vác nặng quá 20 kg nhưng chẳng lẽ để mẹ nằm một chỗ", anh nói. Cũng may về sau có một người hảo tâm tặng chiếc xe điện giúp hành trình của hai người bớt mệt nhọc hơn so với hồi còn đẩy xe lăn.
Anh Tâm xúc động khi kể về khoảng thời gian khó khăn của hai mẹ con, sáng 6/6. Ảnh: Quỳnh Trần
Bà Dương Thị Huỳnh Liên, 47 tuổi, chủ trọ cho biết hai mẹ con ở đây được khoảng ba năm. Biết họ hoàn cảnh khó khăn nên bà vẫn thường cho thiếu tiền trọ, thi thoảng hỗ trợ thực phẩm. "Qua tìm hiểu tôi biết anh Tâm không họ hàng thân thích mà thương bà Năm như mẹ ruột, chăm sóc chu đáo, đàng hoàng lắm", bà Liên nói.
Nằm trên giường, đưa mắt nhìn anh Tâm, bà Năm cho biết cảm thấy may mắn khi tuổi già vẫn có người bên cạnh săn sóc. Nhiều lúc bà cũng buồn, ái ngại khi con ruột không giúp đỡ được mẹ, phải nhờ cậy người ngoài.
"Dù cuối đời nghèo khó nhưng có niềm an ủi gặp được nó, người dưng mà thương yêu tôi như mẹ ruột, lúc nào cũng hứa sẽ phụng dưỡng đến suốt đời", cụ bà 86 tuổi nói.