Lá lốt từ lâu đã là một loại nguyên liệu và gia vị quen thuộc, có thể kết hợp với nhiều loại nguyên liệu khác để tạo nên những món ăn hấp dẫn và có nhiều giá trị dinh dưỡng. Loại nguyên liệu này còn được sử dụng như một liều thuốc dân gian để chữa bệnh, và hiệu quả mà nó mang lại thật sự bất ngờ.
Lá lốt có tên khoa học là Piper sarmentosum, là một loại cây thân thảo thuộc họ Hồ Tiêu, có chiều cao khoảng 30-40 cm, lá có hình trái tim mặt trên bóng láng và đậm màu hơn mặt dưới. Khi còn nhỏ cây sẽ mọc thẳng, đến khi lớn cây sẽ bò trườn dài trên mặt đất. Đây là loài dễ trồng và dễ sinh trưởng, nên chỉ cần giâm cành ở vào đất ở những nơi ẩm ướt, dọc bờ rào, trong vườn… là cây đã có thể mọc và phát triển tươi tốt. Tên gọi của cây lá lốt có thể thay đổi thành “nốt” hoặc “lốp” tuỳ theo từng địa phương.
Công dụng chữa bệnh diệu kỳ của lá lốt.
Lá lốt có tính ấm, vị cay thơm, có tác dụng trong việc điều trị khá nhiều bệnh như tổ đỉa, mụn nhọt, xương khớp…. để có thể sử dụng vị thuốc này một cách hiệu quả, thì cần nắm rõ liều lượng và cách thức sử dụng. Dưới đây là một số công thức chữa bệnh từ lá lốt:
Đau bụng do nhiễm lạnh: 20g lá + 300ml nước, đun sôi đến khi còn khoảng 100ml và uống ngay khi còn ấm. Nên uống liên tục trong 2 ngày, sau bữa ăn tối.
Giải cảm: 20 lá + 5 nhánh hành hương + nửa củ hành tây +1 tép tỏi + 2g gừng + 1 nắm gạo và gia vị. Nấu cháo cho đến khi gạo nở và cháo chín, thì cho những nguyên liệu còn lại vào. Ăn ngay khi còn nóng, sẽ giúp ra mồ hôi và giải cảm.
Chườm nóng cho xương khớp: lá lốt tươi 20g + ngải cứu tươi 20g, rửa sạch, giã nhuyển, thêm vào một ít giấm chưng nóng, chườm vào những vị trí xương khớp bị đau nhức.
Trị viêm xoang: rửa sạch rồi vò nát lá lốt, sau đó nhét vào mũi sao cho phần tinh chất có thể tác động đến phần xoang, làm mỗi ngày sẽ giúp giảm các triệu chứng của xoang.
Viêm âm đạo: 50g lá lốt + 20g phèn chua + 40g nghệ, đổ thêm nước vào ngập khoảng 2 lóng tay, đun sôi khoảng 10-15p chắt lấy nước, lắng trong dùng để rửa âm đạo. Phần còn lại tiếp tục đun sôi dùng để xông, hiệu quả đem lại rất tốt.
Viêm tinh hoàn: 12g lá lốt + 12g bạch truật +12g lệ chi + 10g bạch linh + 10g trần bì + 6g phòng sâm + 21g sinh trương + 6g sơn thù + 5g hoàn kỳ + 4g cam thảo, cho tất cả vào nấu cùng 600ml nước cho đến khi còn khoảng 200ml. Để nguội và uống hết trong ngày.
Mồ hôi tay, mồ hôi chân: 30g lá lốt tươi đun sôi cùng một ít nước. Dùng để ngâm tay, chân mỗi ngày trước khi ngủ sẽ giúp cải thiện tình trạng.
Bệnh kiết lỵ: sắc một nắm lá lốt cùng 300ml, chia nhỏ uống trong ngày.
Bệnh tổ đỉa: lấy một nắm lá lốt giã nát và chắt lấy nước cốt để uống, phần bả cho thêm 3 chén nước vào nấu sôi kỹ. Sau khi nấu, lọc phần bã để riêng và dùng phần nước sạch để rửa vùng da bị tổ đỉa. Phần bả sẽ dùng để đắp lên và quấn băng lại, sau khi đã rửa sạch và lau khô vùng da bị bệnh.
Chữa bệnh phong thấp: rễ lá lốt + cỏ xước + dây chìa vôi + hoàng lực + đơn gối hạc + hạt xích hoa xà + độc lực ( mỗi loại 12g), sắc uống mỗi ngày 1 thang cho đến khi cảm thấy tình trạng được cải thiện.
Tê bì chân tay, sưng khớp gối, đau lưng: rễ lá lốt tươi + rễ bưởi bung + rễ vòi voi + rễ cỏ xước (mỗi loại 50g), sao vàng hạ thổ sau đó sắc uống mỗi ngày 3 lần.
Những món ngon được chế biến từ lá lốt
Lá lốt với vị thơm nồng đặc trưng, vị đắng nhẹ là nguyên liệu được dùng nhiều trong các món ăn. Khi kết hợp cùng thịt bò, thịt heo, ốc, ếch, lươn.. sẽ tạo nên những món ăn với hương vị lạ, không gây ngán và rất tốt cho sức khoẻ.
1/ Bò lá lốt
Đây là món ăn ngon quen thuộc nổi tiếng của miền Nam. Thịt bò mềm thơm, băm nhỏ trộn đều cùng chút gia vị và sả bằm, cuộn tròn trong lá lốt, nướng đều trên bếp than hồng sẽ tạo nên một hương vị thơm ngon khó cưỡng. Khi ăn chỉ cần kết hợp cùng một ít rau xà lách, rau thơm, giá, bún… chấm cùng nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm.
2/ Ốc xào lá lốt
Món ngon đậm vị miền quê được nhiều người yêu thích, thịt ốc giòn ngọt kết hợp cùng hương thơm nức nở của lá lốt, sẽ dễ dàng chinh phục được khẩu vị của bất kỳ ai, dù là khó tính nhất.
3/ Trứng chiên lá lốt
Đây có lẽ là món ăn đơn giản và được chế biến nhanh gọn nhất từ lá lốt. Chỉ cần thái nhuyễn lá lốt thành sợi, trộn cùng trứng và một ít gia vị. Khi ăn mùi thơm nồng của lá lốt toả ra, kết hợp cũng vị béo thơm của trứng, như vậy cũng đủ tạo nên một món ăn hấp dẫn cho bữa cơm gia đình.
4/ Măng xào lá lốt
Không chỉ có thể kết hợp cùng các loại thịt, lá lốt khi được xào chung cùng măng cũng giúp tăng thêm hương vị và độ ngon cho món ăn này. Vị ngọt của măng khi hoà quyện vào vị đắng nhẹ của lá lốt, thêm chút hương thơm ngào ngạt, tạo nên một món ăn tròn vị.