“Làm từ thiện cũng cần phải có kinh nghiệm”, sự thật là vậy. Nhiều người trước khi bắt tay vào làm công việc thiện nguyện, chỉ nghĩ đơn giản đó là sự “cho đi và chia sẻ”. Nhưng khi thật sự làm công việc ấy, mới thấy phát sinh nhiều vấn đề không tưởng.
Làm việc thiện nhưng nhận lại sự phũ phàng.
Thuỳ Trâm (thành viên của CLB thiện nguyện Nhịn Ăn Sáng) kể: hôm ấy câu lạc bộ nấu 100 suất cơm. Các thành viên phải cố gắng hết sức, mồ hôi nhễ nhại mới kịp đem cơm đến bệnh viện đúng giờ trưa. Khi đó bà con đã tụ tập rất đông, số người vượt quá suất cơm chuẩn bị trước, nên chẳng mấy chốc mà cơm đã hết sạch. Lúc đó, một người đàn ông trung niên đã lao đến chỉ thẳng mặt Trâm và la lớn “Tưởng có cơm phát miễn phí là ngon sao? Không thấy người ta đứng chờ cả buổi hả? Tôi nghèo tôi mới đến đây, chứ có tiền ra chen lấn làm gì để mấy người vô tâm khinh rẻ?”. Bất ngờ trước phản ứng đó, Trâm ngơ ngác rồi bật khóc, chứ không kịp nói điều gì.
Tuy vậy, Thuỳ Trâm vẫn tiếp tục công việc của mình vì cô chia sẻ: “Cũng nhờ lần đó em hiểu được nhiều điều. Dù mới đầu chán nản và thất vọng lắm, luôn tự hỏi tại sao mình giúp họ mà lại bị nặng lời hắt hủi như vậy. Nhưng rồi em cũng không buồn nữa mà chỉ xem đó là một kinh nghiệm để giúp mình mạnh mẽ hơn”.
Không chỉ riêng Trâm, những phản ứng tiêu cực ấy rất nhiều người đã từng gặp phải và xem như kinh nghiệm để đời khi đi tặng, phát cơm cho người nghèo vô gia cư. Trần Nam - sinh viên năm cuối từng gặp “sự cố”, bị ném trả hộp cơm vào người, khi lén bỏ hộp cơm ấy bên cạnh một bác đạp xích lô đang nằm ngủ bên vệ đường. “Tôi nghèo chứ không hèn, tự làm tự ăn, không nhận của ai thứ gì hết”, câu nói của bác xích lô đã cho Nam thêm một bài học đó là: cần hỏi ý kiến trước khi muốn cho, tặng ai bất cứ cái gì, đó là cách thể hiện sự tôn trọng tối thiểu.
Là một người yêu thích công việc thiện nguyện, nhưng không có nhiều thời gian để gia nhập những hội nhóm. Nhật Vy chỉ có thể tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tự kêu gọi bạn bè rồi tự tay chuẩn bị những phần ăn đêm gọn nhẹ như sữa, bánh, cháo.. để phát cho người vô gia cư trên đường phố. Vy chia sẻ không ít lần cô bị bu kín bởi nhiều người và dành giật đồ ăn ngay trên tay mình, thậm chí có 1 thanh niên dù đang ăn dở tô phở ven đường cũng chạy theo để giật lấy 1 phần ăn từ những người khác, đã được vy trao tặng. Đáng buồn nhất, là một lần có người đã chạy xe dí theo Vy, chỉ để chửi đổng suốt một quảng đường dài, khi cô từ chối trao 2 phần ăn cho cùng 1 người.
Những lời nói nặng nề xúc phạm ấy làm Vy ám ảnh và không muốn nhắc đến, cô chỉ muốn tiếp tục công việc của mình để chia sẻ cho những ai thật sự cần. Sau này, Vy đã tự rút kinh nghiệm bằng cách chịu khó đi vào giờ khuya hơn, rủ thêm nhiều bạn bè đi cùng, và chọn những con đường nhỏ không phải là đường “chính”, nơi có rất nhiều người tụ tập, ngồi chờ sẵn. Làm như vậy, dù sẽ cực hơn, đi xa và nhiều hơn nhưng “tấm lòng” của Vy sẽ được trao đúng tay người nhận.
Cũng may, không phải lúc nào “con sâu” cũng có thể làm rầu nồi canh, những bạn trẻ ấy sẽ vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Bỡi mục đích thật sự của họ là nhìn thấy nụ cười, hay những giọt nước mắt hạnh phúc của những con người thật sự biết trân trọng tậm lòng thiện nguyện.
Làm từ thiện “của cho không bằng cách cho”.
Thay vì cách làm truyền thống, thì hiện nay nhiều nhà hảo tâm, cùng các tình nguyện viên đã cùng nhau góp sức mở ra nhiều quán ăn thiện nguyện. Họ không phát miễn phí, mà bán ra những phần ăn rất rẻ giá thỉ 1k, 2k. Con số tuy nhỏ, nhưng lại giúp những người đến ăn bớt đi cảm giác mặc cảm, tự ti. Họ có thể thoải mái dùng bữa ăn, mà không phải lo nghĩ nhiều.
Gần đây, câu chuyện của “người bố có con mất vì ung thư và tiệm cơm 1k” lại được nhắc đến. Điều thôi thúc người bố ấy mở tiệm, chính là sau hơn 1 năm cùng con chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, anh đã thấu hiểu được nỗi khó nhọc, vất vả của bệnh nhi và gia đình. Anh chia sẻ “Mong muốn của mình là duy trì tiệm cơm thật lâu, thật nhiều năm nữa, để giúp được nhiều bệnh nhi. Để duy trì tiệm cơm cần nhất là con người, phải có những người bạn đồng hành, còn lại kinh phí mọi người có thể chung tay được".
Mỗi suất ăn ngoài giá trị dinh dưỡng thì “Tiệm cơm 1k” còn chăm chút để nó trở thành một món quà tinh thần. Vì vậy, chị Huyền Trân, thành viên của nhóm hay nói đùa “mỗi tuần em sẽ cố gắng cho các con đi ăn “nhà hàng” một lần. Chính vì vậy mình luôn cải thiện bữa ăn với thực đơn phong phú cho các con, khi thì đồ Nhật, đồ Hàn, khi thì đồ Âu… để các phần ăn luôn có sự thay đổi”.
Cầm trên tay những suất cơm được tặng, chị Nguyễn Thị Thuỳ (Nghệ An) bật khóc nức nở. Người mẹ ấy có con bé mới 12 tháng, phải mổ tim. “Gia đình quá khó khăn mà vẫn phải cố gắng chữa bệnh cho con. Nay nhận cơm này mình phải gắng ăn cho em bé có sữa bú”, chị vừa khóc vừa nói.
Nói là bán, nhưng thực tế anh không lấy bất cứ một khoản tiền nào, anh chỉ muốn trở thành cầu nối để đem tình yêu thương của mọi người trong nhóm san sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, cách họ cho đi, cách họ trao tặng đã làm rung động những trái tim vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. Họ không cảm thấy bị tổn thương hay xúc phạm, mà cái họ cảm nhận chỉ là sự biết ơn trân trọng, những tấm lòng đẹp đã thấu hiểu và cảm thông.
Vào khoảng giữa năm 2021, những ai tham gia mạng xã hội, đặc biệt là nền tảng Tiktok thì ít nhiều cũng sẽ biết đến tài khoản “Lâm Ống Hút”. Hình ảnh người đàn ống có phần “già trước tuổi” hóm hỉnh, với quần sọt, áo jean, đôi dép lào, cùng chiếc xe máy nhỏ “cà tàng”… rong ruổi khắp nẻo đường của TPHCM trong mùa đại dịch, để trao tặng những chiếc bánh, khẩu trang, chai nước suối … cho cô chú cơ nhỡ, những mảnh đời neo đơn gặp khó khăn trong mùa dịch covid19. Bằng cách nói chuyện chân chất, vui nhộn, cử chỉ ân cần của anh qua từng lời dặn dò cô chú giữ sức khoẻ, bảo vệ bản thân thật tốt. Chắc hẳn, bất cứ ai cũng cảm nhận được sự gần gủi, thân tình của người đàn ông ấy. Cái anh cho đi dù không nhiều, nhưng chất chứa nhiều tình cảm, và năng lượng tích cực là điều không phải ai cũng có và lan toả được trong thời điểm ấy, như cách mà chàng trai “Lâm Ống Hút” đã làm.
Bên cạnh những hình ảnh tốt đẹp đó, không ít lần chúng ta xem hay đọc được những câu chuyện đáng buồn về việc làm từ thiện không phù hợp, không đứng ở phương diện của người “nhận” để “cho đi”. Điển hình như sự việc của TikToker Phạm Đức Tuấn (tên gọi khác là Nờ Ô Nô). Nam TikToker này đã tặng phần phở 55k cho một cụ bà, kèm theo đó là những phát ngôn khó nghe như: “hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Bớt nghèo đi nha, không ai giúp hoài đâu”, “ nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”…. Hành động của anh không chỉ gây nên làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng, mà quan trọng nhất chính là sự tổn thương của cụ bà. Dù sau đó, Đức Tuấn đã đăng nhiều thông tin đính chính và xin lỗi, nhưng cũng không được chấp nhận. Vì dù giải thích như thế nào, thì việc “cho đi” của TikToker cũng chỉ thể hiện sự ích kỷ, kém nhận thức và thiếu tư duy cảm thông đối với những số phận không may mắn.
… Hãy viết tiếp những trang sách “từ thiện”
Làm từ thiện giống như chuyện làm dâu trăm họ, chín người mười ý. Người dễ tính, hiểu chuyện thì cảm ơn, ai nóng tính bộc trực thì sẳn sàng quát tháo vì cho rằng bị coi thường. chính vì vậy không phải ai cũng đủ kiên trì và nhẫn nại để làm công việc thiền nguyện này.
“Không nhất thiết phải miễn phí, nhiều khi mua bán bằng tiền lại là phương pháp hợp lý, giúp giảm khoảng cách giữa người cho và nhận” – chị Kiều Vân quản lý quán cơm Nụ Cười 1 chia sẻ. Ngoài ra, chị còn cho biết những hoạt động từ thiện hầu hết đều là những hoạt động tự phát nên rất khó khăn trong khâu quản lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự liên kết giữa những nhà hảo tâm và các câu lạc bộ vẫn còn khá lỏng lẻo, hoạt động trên nguyên tắc “tin tưởng là chính”.
Nếu có sự bàn bạc từ nhiều bên, có sự quan tâm quản lý và hỗ trợ từ các cơ quan chính quyền thì những cảnh tượng dành giật, chửi bới nhau sẽ được hạn chế tối đa. Tạo sự yên tâm, thoải mái cho người làm việc thiện cũng như người nhận. Đồng thời, khi có sự gắn kết giữa các câu lạc bộ và nhà hảo tâm, thì có thể duy trì nguồn kinh phí ổn định để giúp nhiều cá nhân, tập thể viết tiếp thêm những câu chuyện đẹp trong cuộc sống này.