Nấm mối từ lâu đã được xem là món quà quý từ thiên nhiên. Ngoài hương vị thơm ngon, thì giá trị dinh dưỡng trong nấm cũng là thứ khó tìm, bởi nó được chắt lọc một cách tinh tuý từ thiên nhiên.

Với giá thành đắt đỏ, thậm chí có tiền cũng khó để mua được. Vì tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào có thể lai tạo, hoặc trồng được loại nấm này. Nó chỉ được tìm thấy trong tự nhiên, một lần trong năm vào mùa mưa ẩm, kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng.

Cách thu hoạch nấm mối

 

Tên gọi của loại nấm này bắt nguồn từ việc chúng chỉ xuất hiện ở nơi có loài mối đất sinh sống. Nấm mối thường mọc vào mùa mưa khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm (đặc biệt là vào Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch), trên những ụ tổ mối.

Mối đất thường làm tổ to như trái dừa khô, hình dáng như hốc đất, có màu trắng hoặc hơi ngả vàng. Thời điểm những cơn mưa kéo dài nhiều ngày, loài mối sẽ tiết ra một chất men xung quanh tổ. Đó chính là khởi nguồn của những cây nấm thơm ngon, khi trời nắng ấm trở lại.

Vì đặc tính không làm ổ ở những nơi quá ẩm thấp, nên nấm thường mọc ở trên cao. Hình dáng nấm thon dài, có màu trắng và gốc hơi ngã vàng. Muốn biết chắc có phải nấm mối hay không, thì chỉ cần đào vùng đất nhỏ xung quanh, nếu thấy mối đất sinh sống thì chắc chắn đó là nấm mối. Nơi nào có nấm sẽ có mối, nhưng chưa chắc những nơi có tổ mối thì nấm sẽ mọc.

Nấm thường mọc ở gần hàng rào, bờ tường hoặc dưới các tán cây dày, đặc biệt chúng được tìm thấy nhiều ở rừng cao su. Thời điểm tốt nhất để hái nấm là 3h đến 5h sáng, lúc này tai nấm chưa nở, còn nguyên giá trị dinh dưỡng và những cây nấm búp cũng có giá thành cao hơn nấm đã tung tai.

Theo kinh nghiệm dân gian thì những người nhẹ vía sẽ dễ dàng tìm được nấm, và ngược lại thì những người nặng vía lại khó có cơ duyên với loại nấm “khó tính” này. Nếu may mắn tìm thấy, thì chỉ được hái bằng tay tránh cắt bằng bất cứ dụng cụ bằng kim loại nào. Nếu không mùa sau, nấm sẽ không mọc lại ở nơi đó nữa. Cũng nhờ đặc tính này, mà những ai có nhiều năm kinh nghiệm sẽ dễ tìm được nấm.  

Hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của nấm mối

 

Nếu ai đã từng thưởng thức qua loại nấm này thì khó có thể quên được vị giòn ngọt một cách tự nhiên của nó, không giống bất cứ loại nấm nào mà bạn trồng được. Dù kết hợp với những món ăn khác hay chế biến riêng thì hương vị tinh tuý của nó cũng rất khác biệt so với những loại nấm khác.

Nấm mối giàu canxi, phốt pho, protein và nhiều chất dinh dưỡng có lợi. Vì vậy, nó thường được dùng để bồi bổ sức khoẻ, tăng dưỡng chất cần thiết cho người cao tuổi, người bị bệnh tiểu đường, hoặc mắc những bệnh nền khác.

Theo đông y, nấm mối có tính mát, vị ngọt hậu, ngoài giá trị dinh dưỡng thì nó còn ngăn ngừa được một vài căn bệnh, điển hình như : sỏi thận, nhuận tràng, cao huyết áp, giảm cholesterol… nhờ vậy dù giá thành cao nhưng nó vẫn được nhiều người tìm kiếm và tin dùng.

Cách bảo quản và chế biến nấm mối.

Nấm cần được bảo quản nơi thoáng mát, sau khi đã lọc bỏ những phần nụ nấm ố vàng, hay phần xây sát dập úng trong qu trình hái nấm. Lưu ý, cần loại bỏ sạch sẽ những chổ bị hư và cuống nấm, vì những phần này chứa nhiều vi sinh vật có hại, chúng làm nấm nhanh hư và mất giá trị dinh dưỡng ban đầu.

Trong quá trình vận chuyển cần hạ thấp nhiệt độ môi trường, nhằm hạn chế quá trình hô hấp của nấm mối và sự phát triển của vi sinh vật, điều này sẽ giúp nấm được tươi lâu hơn. Muốn giữ đước hương vị nấm lâu, thì sau khi làm sạch có thể xào sơ và cất tủ đông. Bằng cách này có thể sử dụng nấm trong vòng vài tháng mà vẫn giữ nguyên được hương vị tươi ngon cùng chất dinh dưỡng.

Cách làm nấm mối cũng lắm công phu. Đầu tiên phải cạo sạch phần đất cát bám quanh thân nấm dưới vòi nước. Sau đó ngâm muối tầm 5 phút và rửa lại nhiều lần cho sạch. Món ngon thường được chế biến cùng nấm mối phải kể đến là: nấm mối nướng, bánh xèo nấm mối, cháo gà nấm mối, nấm mối kho cốt dừa hoặc kho tương, …