Ngày 5/5 Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA game) lần thứ 32 đã chính thức được khai mạc tại sân vận động Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Hãy cùng ngược dòng thời gian để, tìm hiểu về sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Lịch sử ra đời
Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA game) được chính thức ra đời vào ngày 22/5/1958. Khi đó đại biểu đến từ các nước ở bán đảo Đông Nam Á tham dự Đại hội Thể thao châu Á 1958 tại Tokyo, Nhật Bản đã họp và thống nhất thành lập một Đại hội thể thao riêng cho khu vực Đông Nam Á. Tên gọi SEAP Games được đặt bởi ông Luang Sukhum Nayaoradit, người sau này trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan.
Lý do chính để đưa ra quyết định này là vì việc thành lập một đại hội thể thao khu vực sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác, sự hiểu biết và sự gắn kết các mối quan hệ giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Và cũng bởi những quốc gia Đông Nam Á có nhiều sự tương đồng về văn hoá, lối sống, khí hậu, cùng yếu tố quan trọng nhất là thể trạng con người, nên việc tổ chức một đại hội thể thao dành cho riêng khu vực này là điều hoàn toàn phù hợp.
Sự kiện thể thao SEA game sẽ được tổ chức thường niên 2 năm một lần, vào giữa chu kỳ Đại hội Olympic và Đại hội Thể thao Châu Á, với sự tham gia của 11 nước thành viên trong khu vực Đông Nam Á. Những môn thể thao được tổ chức thi đấu sẽ do Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đề ra và điều hành dưới sự giám sát của Uỷ ban Olympic Quốc Tế và Hội đồng Olympic châu Á.
Năm 1959, lần đầu tiên Đại hội Thể thao Đông Nam Á khi đó lấy tên là SEAP được tổ chức tại BangKok, Thái Lan. Sau phiên họp đầu tiên của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, tổ chức ngày 5/6/1959 tại Bangkok, Thái Lan. Cuộc họp đã thông qua điều lệ và bầu ban chấp hành của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Thái Lan Prabhas Charustiara được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn, các Ủy viên gồm đại biểu các nước Campuchia, Lào, Malaysia, Burma (nay là Myanmar), Thái Lan và Việt Nam. Những nước này, cũng được xem là nước sáng lập của Liên đoàn, và biểu tượng 6 vòng tròn gắn vào nhau của SEA game chính là tượng trưng cho 6 thành viên sáng lập.
Sự hình thành và phát triển.
SEAP games lần đầu tiên tổ chức được diễn ra năm 1959, có sự tham gia của các quốc gia Thái Lan, Việt Nam, Burma (nay là Myanmar), Malaysia, Campuchia, Lào. Với 527 vận động viên tham dự tranh tài ở 12 môn thể thao.
Sau khi Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia để trở thành một quốc gia độc lập, thì năm 1965 Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á đã kết nạp thêm nước này trở thành thành viên. Năm 1975,tại SEAP games thứ 8 tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á lại tiếp tục xem xét và chính thức kết nạp thêm Indonesia và Philippines trở thành thành viên vào năm 1977. Đây cũng là thời điểm mà Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á đổi tên thành Liên đoàn thể thao Đông Nam Á và Đại hội thể thao Bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games) được đổi tên là Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games).
Đến năm 1979, tại SEA game thứ 10 tổ chức tại Jakarta, Indonesia, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã chính thức kết nạp thêm Brunei. Cho đến kỳ Đại hội lần thứ 20 (năm 1999) được tổ chức tại chính quốc gia này, thì hội đồng Olympic Brunei đã đề nghị sửa đổi biểu tượng của Liên đoàn thể thao Đông Nam á từ 6 thành 10 vòng tròn màu vàng nhạt liên kết vào nhau.
Năm 2003, tại SEA game 22 tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam, Đông Timor là quốc gia cuối cùng được kết nạp trở thành thành viên tham gia các giải đấu của SEA game. Cho đến SEA game 27, biểu tưởng 10 vòng tròn của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á lại chính thức một lần nữa sửa thành 11 vòng tròn gắn vào nhau. Cho đến hiện tại, đây vẫn là biểu tượng chính thức của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Nó thể hiện cho sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Những bộ môn thi đấu phổ biến tại SEA game bao gồm: bóng đá, đấu kiếm, điền kinh, bóng chuyền, cầu lông, bơi lội, đua thuyền, điền kinh nước, đấu vật, cử tạ, bắn súng, taekwondo, judo, karatedo, boxing, quần vợt, cầu mây, bóng bàn, điền kinh bãi biển, bóng rổ, petanque, golf, võ cổ truyền, pencak silat, sepak takraw… Ngoài ra, còn có thể bao gồm những bộ môn biễu diễn, dân gian, các môn dự bị khác tuỳ thuộc vào quyết định của ban tổ chức thuộc quốc gia đăng cai.
Trải qua 65 năm kể từ ngày đầu được thành lập, cho đến hiện tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA game) vẫn luôn là sự kiện thể thao danh tiếng lớn của khu vực. Năm nay, Đại hội thể thao lần thứ 32 được tổ chức, Campuchia lần đầu tiên chính thức trở thành nước chủ nhà của SEA game. Trong số các quốc gia thành viên Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia có số lần tổ chức Đại hội nhiều nhất với 6 lần, tiếp đến là Singapore, Indonesia, Philippines với 4 lần đăng cai, Myanmar có 3 lần tổ chức, Việt Nam 2 lần và cuối cùng là Lào và Brunei mỗi quốc gia 1 lần.