Từng giữ chức vụ Phó Quản đốc phân xưởng thuộc một công ty sản xuất giấy tại Hải Phòng, hiện tại, mức lương hưu ông Nở nhận được chưa tròn 3 triệu đồng/tháng. Dù đã sống tiết kiệm nhưng tình trạng giá cả leo thang cùng nhiều căn bệnh tuổi già khiến ông Nở phải chật vật trang trải cuộc sống.
Sống nhờ lương hưu
Từ vị trí là một công nhân, ông Đào Viết Nở (78 tuổi, tại huyện An Lão, thành phố Hải Phòng) được cất nhắc giữ chức vụ Phó Quản đốc sản xuất giấy xuất khẩu. Sau gần 25 năm công tác, năm 1994, ông Nở được nghỉ hưu và bắt đầu hưởng chế độ hưu trí. Tháng lương hưu đầu tiên ông nhận được là 159.609 đồng.
Nhiều năm trôi qua, hiện tại, ông hưởng mức lương hưu là 2.920.000 đồng/tháng. “Về hưu đúng vào những năm các chính sách, chế độ chuyển đổi nên tôi phải chịu thiệt thòi đến giờ” - ông Nở tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Liễm - vợ ông Nở là lao động tự do, từng buôn bán ở chợ gần nhà. Hiện tại, bà Liễm không có bất kỳ thu nhập nào. Số tiền hai ông bà tích lũy cả đời ngoài cho con cháu còn tiêu tốn cho chi phí sinh hoạt. Với số tiền lương hưu chưa tròn 3 triệu đồng/tháng, vợ chồng già không đủ để trang trải cuộc sống lúc "gần đất xa trời".
Cuộc sống về già khó khăn hơn khi ông Nở mắc bệnh thận. Đều đặn mỗi tháng, ông Nở phải thăm khám bệnh và tốn đến 4 triệu đồng tiền thuốc mua ngoài.
Vợ chồng ông Nở có 3 người con, 2 người đã lập gia đình và có cuộc sống riêng, còn một người con trai công việc chưa ổn định sống cùng ông bà.
"Các con đều đã lập gia đình và phải lo toan nhiều khoản. Thi thoảng các con vẫn mua đồ ăn, thức uống gửi sang. Vợ chồng tôi cũng không muốn trở thành gánh nặng cho các con. Nếu được hỗ trợ phần nào lương hưu, chúng tôi sẽ bớt khó khăn hơn" - ông Nở tâm sự.
Cần thiết tăng lương hưu
Ông Trần Văn Diện - Nhân viên Bưu điện An Lão (huyện An Lão, TP. Hải Phòng) cho biết, địa bàn xã Quang Trung, huyện An Lão chỉ còn duy nhất ông Đào Viết Nở là có mức lương hưu dưới 3 triệu đồng/tháng.
Theo ông Diện, với những người có mức lương hưu thấp, việc được xét duyệt tăng lương hưu và có thêm các khoản trợ cấp là rất cần thiết.
Việc này góp phần cải thiện cuộc sống, đảm bảo các nhu cầu cơ bản và giúp cho những người được hưởng chế độ hưu trí không bị tủi thân, mặc cảm là gánh nặng tài chính cho con cái khi về già.
Ông Nở là 1 trong khoảng 230.000 người dự kiến được tăng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1.7.2023 do ngân sách Nhà nước chi trả với tổng kinh phí khoảng 330 tỉ đồng.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1.1.1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động.
Tuy nhiên, đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó, nên phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp. Từ đó, ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định, sau đó được nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung.
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 69/2022/QH15, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương hưu với người nghỉ hưu từ trước ngày 1.1.1995 mà có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Theo báo Người lao động