Mỗi phút trôi qua, thế giới lại mất đi diên tích rừng nhiệt đới bằng 10 sân bóng đá. Diện tích rừng bị thu hẹp nhiều nhất là ở những vùng nhiệt đời, và khu vực rừng Amazon – Brazil. Trung bình mỗi năm rừng bị thu hẹp khoảng hơn 19.000 km2, trong suốt hơn 20 năm qua. Bốn loại rừng bị huỷ hoại nhiều nhất là: rừng hỗn hợp và rừng ôn đới lá rộng khoảng 60%, rừng lá kim khoảng 30%, rừng ẩm nhiệt đới khoảng 45% và rừng khô nhiệt đới lên đến khoảng 70%.
Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất giấy sử dựng nguyên liệu chính là lâm sản, cũng góp một phần không nhỏ vào việc tàn phá rừng. Trước sự cảnh báo về những nguyên nhân gây nên những thảm hoạ về môi trường, thì người tiêu dùng hiện nay ngày càng có nhu cầu sử dụng nhiều những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, trong đó có thể kể đến những sản phẩm làm từ giấy. Tuy nhiên, việc sử dụng giấy cũng cần tiết kiệm và đúng cách, để tận dụng nguồn tài nguyên giấy tái chế, và hạn chế ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Vậy lợi ích của việc tái chế giấy là gì?
Nâng cao việc bảo tồn rừng tự nhiên
Trong quá trình khai thác rừng tự nhiên để lấy nguyên liệu sản xuất giấy, ngành công nghiệp này cũng đã trồng lại một mảng rừng khác để thay thế. Tuy nhiên, đó không phải rừng bảo tồn tự nhiên mà là những loại cây nguyên liệu để sản xuất bột giấy và giấy. Nhu cầu sử dụng giấy càng nhiều, thì việc chuyển đổi công năng rừng từ tự nhiên thành rừng sản xuất sẽ càng tăng nhanh. Và về mặt tính chất thì hai loại rừng này cũng không giống và không thể thay thế cho nhau.
Rừng tự nhiên là loại rừng được tái tạo tự nhiên, có độ che phủ cao cùng thảm động thực vật phong phú, có thể phát triển theo cấu trúc cơ bản của một khu rừng nguyên sinh, và quan trọng nhất là không chịu nhiều tác động ảnh hưởng từ con người. Trong khi đó, việc gia tăng diện tích trồng rừng nguyên liệu sẽ làm mất đi sự đa dạng về sinh học, tác động xấu đến môi trường sống của động thực vật hoang dã, chất lượng nước, cũng như tính vẹn toàn của chu trình sinh thái trong rừng. Việc trồng và khai thác thường xuyên, nhưng tài nguyên đất lại không được chăm sóc, dẫn đến việc đất đai ngày càng bạc màu và khô cằn. Do vậy, dù có được trồng thay thế, thì những giá trị về mặt sinh thái cũng khó có thể được phục hồi như nguyên bản.
Chỉ trong vòng chưa đến 50 năm (từ 1953 đến 1999), khu vực Bắc Mỹ nơi tập trung lượng lớn gỗ có thể sản xuất giấy, diện tích rừng lá kim tự nhiên đã giảm từ 72 triệu ha, xuống còn 33 triệu ha, tức hơn một nửa diện tích. Trong khi đó, rừng cây lá kim được trồng để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất giấy lại tăng mạnh từ 2 triệu lên 32 triệu ha, theo dự kiến có thể lên đến 54 triệu ha vào năm 2024. Đây là dẫn chứng cụ thể và mạnh mẽ nhất, về sự tổn hại nặng nề của diện tích rừng tự nhiên. Vì như đã nói ở trên, cây lá kim được trồng để làm nguyên liệu tuy lớn nhanh những cũng sẽ nhanh chóng được khai thác, và chắc chắn không thể cung cấp môi trường sống phù hợp cho các loài động vật, bảo tồn nguồn nước, và tính đa dạng sinh học như rừng tự nhiên.
Để hạn chế việc chặt phá cây rừng, thì biện pháp tích cực nhất là sử dụng nguồn nguyên liệu giấy tái chế. Việc này sẽ giúp giữ lại được nhiều cây cối, giảm áp lực chuyển đổi từ rừng tự nhiên thành rừng sản xuất. Việc sử dụng giấy tiết kiệm, đúng cách, tái chế giấy hợp lý sẽ giúp giữ gìn toàn bộ giá trị mà hệ thống sinh thái rừng cung cấp, bao gồm hệ thống mạch nước ngầm, môi trường sống của các loài động vật tự nhiên, sự đa dạng sinh học của tự nhiên.
Giúp giảm lượng chất thải rắn
Bạn có biết giấy có thể tái chế, tiếp tục sử dụng đến 6 trước khi buộc phải đốt bỏ hoặc chôn lấp? Nếu chỉ sử dụng một lần hoặc ít hơn thì những lần sử dụng còn lại sẽ thật sự lãng phí. Cùng với việc tái sử dụng để bảo vệ nguồn nguyên liệu lâm nghiệp, thì việc tái chế giấy nhiều lần còn giúp giảm thiểu lượng chất thải rắn thải ra ngoài môi trường, so với việc chỉ sử dụng một lần rồi vứt bỏ. Khi giảm được lượng phế thải giấy, thì cũng đồng nghĩa với việc giảm được diện tích đất dùng để chôn lấp lượng rác thải ấy.
Giúp cải thiện chất lượng nước, giảm lượng nước thải
Quá trình sản xuất giấy từ bột nguyên liệu sẽ cần rất nhiều nước, điều này gây nên sự lãng phí nguồn tài nguyên nước sạch. Nhất là trong thời điểm nguồn tài nguyên nước ngọt đang dần trở nên khan hiếm, do những ảnh hưởng xấu từ điều kiện tự nhiên, thời tiết và cả những tác động từ con người như hiện nay. Việc sản xuất giấy từ bột nguyên liệu sẽ thải ra nhiều nước hơn so với sản xuất giấy từ nguồn giấy tái chế. Nước thải từ việc sản xuất giấy bằng bột, dù đã qua quá trình xử lý cũng sẽ vẫn chứa nhiều độc tố hơn sản xuất giấy bằng việc tái chế.
Lượng nước thải là một sự đo lường có ý nghĩa về môi trường, bao gồm hai chỉ số: lượng nước mới cần dùng trong sản xuất, và mức độ ảnh hưởng đến môi trường từ nguồn nước được thải ra sau đó. Những quy định về lượng nước thải thường rất chặt chẽ. Do vây, có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nguyên liệu giấy tái chế, trong việc bảo vệ nguồn nước sạch.
Giảm lượng khí thải CO2
Cây xanh có khả năng hấp thụ khí CO2, cây tuổi đời trẻ sẽ hấp thụ khí này nhanh hơn những cây lâu năm, nhưng khả năng tồn trữ lại không bằng, hay nói cách khác thì cây càng lâu năm thì sẽ càng trữ được nhiều khí CO2. Điều này giúp giảm hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển, khi lượng khí CO2 trong không khí tăng cao. Như vậy, khi cây xanh bị đốn hạ để trở thành nguyên liệu làm giấy, thì lượng CO2 tồn trữ trong cây sẽ có cơ hội thoát ra ngoài, gây hại đến môi trường. Khi sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế, đồng thời sẽ giảm thiểu được việc chặt phá cây xanh, giảm lượng khí CO2 thoát ra ngoài.
Giấy khi bị chôn vùi ở các bãi chôn lấp, khi phân huỷ trong đất sẽ tạo thành methan, là một thành phần độc của khí nhà kính. Methan là một loại khí có khả năng bẫy nhiệt gấp 21 lần khí CO2, là một loại khí độc mạnh góp phần thay đổi khí hậu toàn cầu. Từ những bãi chôn lấp, khí này sẽ thoát ra ngoài cũng với CO2 làm gia tăng hiệu ứng nhà kính của bầu khí quyển.
Việc tái sử dụng giấy sẽ giúp hạn chế việc chôn lấp, từ đó giảm được khí methan thoát ra từ việc chôn lấp. Một lượng lớn giấy không bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, còn giúp hạn chế ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Ngoài việc giảm khí thải nhà kính, tái chế giấy còn giúp phát sinh những loại khí độc khác như oxid nitrogen và những chất hạt.
Có thể thấy tầm quan trọng của việc sử dụng tiết kiệm, và tái chế đúng cách nguồn nguyên liệu giấy có tác động to lớn đến việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên. Trước khi xé bỏ một tờ giấy, bạn nên đắn đo xem nó còn có thể tiếp tục sử dụng vào mục đích nào khác hay không. Việc phân loại rác đúng cách, bỏ rác đúng nơi quy định cũng là biện pháp khả thi để giúp giấy có thể được quay lại đúng quy trình sản xuất và tái sử dụng về sau.