Con người ta sống ở đời lấy gốc ở Thiên, gần gũi với Địa. Trời nuôi ta bằng sáu thứ khí (phong, hàn, thử, táo, thấp, hoả) thì Mũi hít lấy, đất nuôi ta bằng năm thứ vị( tân, cam, toan, khổ, hàm) thì Miệng ăn lấy. Hay thay ở giữa giao thời 2 cái Mũi và Miệng ấy có cái rãnh, ở giữa rãnh ấy là huyệt "Nhân Trung".
Cửu khứu từ huyệt Nhân Trung đi lên số đều chẵn (hai mũi, hai mắt, hai tai), từ Nhân Trung đi xuống số đều lẻ (một miệng, một lỗ sinh thực khí và một hậu môn).
Trên ba gạch chẵn ☷ tức là quái Khôn hay Đất , dưới ba gạch lẻ ☰ tức là quái Càn hay Trời, hợp lại thành quẻ Địa Thiên Thái (tượng Trời Đất giao hoà). Ta vì cái lẽ đó, bẩm thụ toàn thể khí trong Thiên Địa, hợp với âm dương mà thành Người vậy.
Xét về kết cấu chữ “人” (Nhân) trong tiếng Trung cũng có nhiều ẩn ý, lẽ âm dương cũng ẩn chứa trong đó. Người ta bẩm thụ âm tinh, dương khí mà hợp thành, chữ “人” gồm một nét phẩy bên Tả(trái) ngôi Dương, dương chủ về khí, khí thì nhẹ trong ; nét mác bên Hữu(phải) ngôi Âm, âm chủ về tinh, tinh thì nặng đục.
Đối với con người mà nói, Thần(tinh thần) thuộc về Dương, Xác(thể xác) thuộc về Âm. Tinh thần(Tâm ý) là chủ thể của bản Thân mình, thân thể con người vì có tinh thần mới sống và hoạt động.
"Cái Thân là nô bộc của Tâm ý, cũng theo Tâm Ý mà lớn mạnh hay suy tàn."
Bởi vậy trong cách viết chữ “人” (nhân) nét phẩy thường dài còn nét mác thường ngắn, nét phẩy thường cao còn nét mác thường thấp.
Con người ngày nay đa phần là theo đuổi dục vọng, truy cầu vật chất, tiền tài quá độ mà đánh mất hết cả Tinh thần và Đạo đức. Lúc ấy:
- Chữ “人” (nhân) bên trên bị đảo ngược mà trở thành chữ “入” (nhập), “入” (Nhập) chính là: nhập mê, nhập vào dục vọng.
- Quẻ Địa Thiên Thái bên trên cũng bị đảo ngược mà trở thành quẻ Thiên Địa Bĩ, tượng Trời Đất không giao hoà, tiểu nhân lớn lên, quân tử tiêu đi, vận thế bế tắc, tai ương liên tiếp xảy đến.
Nguồn: Lương Y Hạnh Phúc