Khi tôi lên TP HCM học đại học hơn 20 năm trước, má tôi dặn phải luôn để một tờ tiền mệnh giá lớn trong ví “lỡ làm bể bánh tráng còn đền cho người ta”.
Sau này tôi ngộ ra đây là cách phòng ngừa rủi ro, một dạng quỹ dự phòng khẩn cấp. Thói quen giữ tiền mặt của tôi hình thành như vậy. Tôi yên tâm hơn khi có tiền trong ví.
Sau nhiều năm ra nước ngoài học tập và sinh sống, thói quen giữ tiền mặt của tôi mới dần thay đổi. Một ngày, tôi bất giác nhận ra ví của mình chỉ còn lại những chiếc thẻ: thẻ cư trú, thẻ an sinh xã hội, bằng lái xe, và thẻ ngân hàng. Hầu như mọi chi tiêu ở Pháp đều có thể thanh toán bằng thẻ nên tiền mặt trở nên không cần thiết.
Năm năm gần đây, mỗi lần trở về Việt Nam, dù là ở TP HCM hay Hà Nội, tôi cũng có thể thanh toán hầu hết dịch vụ qua thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử.
Thanh toán không tiền mặt được Chính phủ bắt đầu thúc đẩy từ năm 2016. Sau đại dịch, thanh toán qua ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam phát triển vượt bậc. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 11 tháng đầu năm 2022, thanh toán phi tiền mặt trong nền kinh tế đạt hơn 6,6 tỷ giao dịch, tương đương hơn 192,38 triệu tỷ đồng, tăng 85,6% về số lượng và 31,4% về giá trị so với cùng kỳ 2021.
Nhưng kết quả của quá trình chuyển đổi này vẫn còn rất khiêm tốn so với thế giới. Nikkei Asia hôm 12/4 dẫn kết quả báo cáo hàng năm của FIS - một công ty về tài chính ngân hàng có trụ sở tại Mỹ - cho biết, Việt Nam đứng thứ ba ở châu Á về tỷ lệ dùng tiền mặt trong các giao dịch trực tiếp. Cụ thể là giá trị giao dịch bằng tiền mặt trong các thanh toán có tiếp xúc người với người (in-person transaction) ở Việt Nam là 47% (sau Thái Lan 56% và Nhật Bản 51%). Báo cáo thường niên của FIS dựa trên khảo sát người tiêu dùng dịch vụ tài chính ở 40 quốc gia.
Với một nước có tỷ lệ dân số trên 60 tuổi là 12% và còn nhiều khoảng cách trong sự phát triển giữa đô thị và nông thôn, thì tỷ lệ giá trị và tỷ lệ số người dùng tiền mặt trong các giao dịch trực tiếp ở Việt Nam còn cao là có thể hiểu được.
Trước đó, thống kê của Merchant Machine (một nền tảng nghiên cứu và so sánh dữ liệu của Anh) năm 2022 cũng cho thấy, Việt Nam đứng thứ tám trong 20 quốc gia sử dụng tiền mặt nhiều nhất thế giới (năm 2021 đứng thứ 10).
Năm 2021, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 với nhiều mục tiêu tham vọng như: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; trên 80% người dân từ 15 tuổi có tài khoản ngân hàng... Đề án này nếu thành công sẽ mang lại nhiều tác động tích cực: hạn chế lưu thông tiền mặt, giảm thiểu chi phí xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân; góp phần chống tham nhũng, rửa tiền ...
Nhưng khảo sát của FIS và thống kê của Merchant Machine đã chỉ ra những thách thức nhất định với việc đầu tư hạ tầng thanh toán điện tử và thay đổi thói quen chi trả của người Việt, đặc biệt là ở nông thôn.
Theo Merchant Machine, Việt Nam có trung bình 29 máy ATM trên 100.000 người trưởng thành. Tỷ lệ này ở Nauy - nước ít sử dụng tiền mặt nhất thế giới - là 31,6 máy ATM trên 1.000 người trưởng thành.
65% dân số Việt Nam sống ở nông thôn nhưng dịch vụ ngân hàng tại nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Một người bạn của tôi kể, trong khi chị có thể quét mã QR để mua rau tại bất cứ chợ dân sinh nào ở Hà Nội, thì mẹ chị ở quê vẫn hàng tháng nhận lương hưu bằng tiền mặt. Có lần bà gọi điện cho con gái than thở vừa đánh rơi toàn bộ khoản lương còm cõi chỉ vì tranh thủ ghé vào chợ sau khi lĩnh lương. Mỗi lần muốn gửi tiền về biếu mẹ, chị phải chuyển khoản cho em họ, rồi nhờ em rút tiền mặt cho bà. Cô em họ sẽ phải chạy xe chừng 5 km ra trung tâm huyện để rút tiền tại một trong hai cây ATM cứ thỉnh thoảng lại lỗi.
Trong khi người Việt vẫn quen dùng tiền mặt và có tâm lý thích "tiền tươi thóc thật", sự hạn chế về hạ tầng, chi phí (mua điện thoại thông minh và cước sử dụng) sẽ khiến quá trình chuyển đổi số trong thanh toán chậm lại, nếu các chính sách cải thiện không tiếp cận được khu vực này.
Một điểm mấu chốt khác là gây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào tính an toàn và bảo mật. Ở nhiều nước phát triển, một tỷ lệ nhất định người dân vẫn dùng tiền mặt trong thanh toán vì sợ rủi ro lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản. Theo nghiên cứu của Mastercard năm 2021, những lý do hàng đầu cho việc không sử dụng các phương thức thanh toán mới bao gồm vấn đề an ninh (47%) và bảo mật dữ liệu (42%).
Tại Việt Nam, các vụ lừa đảo dùng công nghệ ngày càng phổ biến và chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Nhà chức trách chủ yếu dừng lại ở việc cảnh báo thủ đoạn lừa đảo và khuyến cáo người dân cảnh giác trước các giao dịch điện tử. Vấn đề này không thể chỉ phó thác cho các cơ quan hữu trách. Từ phía mình, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán cũng nên ưu tiên đảm bảo và duy trì an toàn, bảo mật trong mọi giao dịch tài chính điện tử.
Phi tiền mặt là xu hướng tất yếu của thế giới. Quá trình chuyển đổi số trong phương thức thanh toán ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam đã tăng và sẽ còn tăng mạnh, nếu nhà chức trách và các đơn vị triển khai dịch vụ có thể: cung cấp hạ tầng sẵn có và tiện lợi; đảm bảo tính an toàn, bảo mật dữ liệu và tuyên truyền đầy đủ về lợi ích của thanh toán không tiền mặt, dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Võ Đình Trí - Phó giáo sư, IPAG Business School Paris
Nguồn: https://vnexpress.net/tien-mat-van-la-vua-4595162.html