Đột quỵ là bệnh lý dễ xảy ra trong tình trạng nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay. Đặc biệt đối với người cao tuổi, những người có bệnh lý về cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường.. Vậy làm sao để phòng ngừa tình trạng này?

Theo như dự báo thời tiết mùa nắng nóng năm nay sẽ đạt mức kỷ lục, do đó tình trạng đột quỵ có nguy cơ tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiệt độ cao qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể, dẫn đến những biến cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể phòng ngừa và sơ cứu kịp thời để tránh hậu quả nghiêm trọng nếu được phát hiện sớm.

Những triệu chứng cần lưu ý của đột quỵ mùa nắng nóng.

Nắng nóng dễ dẫn đến tình trạng đột quỵ

Triệu chứng dễ nhận biết nhất chính là ngất xỉu do nhiệt độ cơ thể tăng cao, có thể lên đến 40 độ C. Ngoài ra còn một số dấu hiệu sau:

  •  - Đau nhức đầu
  • - Cơ thể nóng nhưng không đổ mồ hôi
  • - Hoa mắt, choáng váng
  • - Chuột rút, tê người
  • - Da khô, đỏ, nóng hừng
  • - Buồn nôn và nôn
  • - Khó thở, thở nông
  • - Tim đập nhanh
  • - Ngất xỉu, bất tỉnh
  • - Co giật, động kinh
  • - Có những thay đổi về hành vi, mất phương hướng, rối loạn tâm thần.

Những dấu hiệu trên thường bị nhầm lẫn với triệu chứng say nắng, cảm nắng thông thường, nên làm lỡ mất thời điểm vàng để cấp cứu cho bệnh nhân. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng hôn mê, thậm chí tử vong. Khi thân nhiệt quá cao sẽ dẫn đến tình trạng suy tim, suy thận và tổn thương não.

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ do nắng nóng

Người cao tuổi và người có bệnh lý cao huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ đột quỵ trong mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng sẽ khiến cho hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim mạch hoạt động kém đi, kèm theo đó là sự giãn mạch dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não. Đối với những người cao huyết áp, tiền sử xơ vữa động mạch thì nguy cơ này càng tăng cao.

Khi thời tiết nắng nóng cơ thể dễ xảy ra tình trạng mất nước, do lượng mồ hôi tiết ra nhiều để làm mát cơ thể. Việc bị mất nước sẽ dẫn đến nồng độ máu trong cơ thể giảm, độ kết dính trong máu tăng cao làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ.

Nhiệt độ cao còn làm giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể, gây ra tình trạng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Tình trạng sốc nhiệt do cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, khiến mạch máu dễ bị co thắt lại cũng gây ra đột quỵ.

Những biện pháp phòng ngừa đột quỵ mùa nắng nóng hiệu quả

Cung cấp đủ nước cho cơ thể để phòng tránh nguy cơ đột quỵ

Cần hạn chế tối đa việc ra đường vào lúc cao điểm nắng nóng, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nhất là thời điểm giữa trưa đứng nắng. Trong trường hợp vừa đi từ bên ngoài vào trong nhà, tránh tiếp xúc ngay với môi trường mát lạnh vì dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt cho cơ thể. Nhiệt độ tốt nhất nên khống chế là 27 độ C, và mức chênh lệch giữa trong và ngoài môi trường không quá 7 độ C.

Bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể, tập thói quen uống nước liên tục trong mùa nóng dù không cảm thấy khát. Điều này giúp tránh nguy cơ bị mất nước do nắng nóng, giúp tăng tích dịch cơ thể, tránh tình trạng máu bị đặc tạo thành huyết khối gây tắc mạch máu não.

Ngoài nước uống, ăn trái cây và rau củ cũng là cách để bổ sung nước và làm mát cơ thể. Nhất là thời điểm sáng sớm khi vừa ngủ dậy, nên uống một ly nước lớn và bổ sung ít nhất 2 lít nước cho cơ thể mỗi ngày.

Nếu cần vận động, tập thể dục thể thao trong mùa nắng thì trước khi tập nên uống nhiều nước và cứ sau 20 phút vận động thì nên bổ sung nước một lần. Người cao tuổi nên tránh vận động vào buổi chiều khi trời vừa tắt nắng, vì dù lúc này không còn nắng nhưng nhiệt độ bên ngoài vẫn rất cao, không khí hầm và nóng bức.

Nên mặc quần áo nhẹ, rộng, màu sáng, chất liệu thoáng mát, đội nón rộng vành và đeo kính mát khi ra đường lúc trời nắng nóng. Tránh việc đột ngột đi từ phòng điều hoà ra ngoài nắng ngay, mà phải có thời gian để cơ thể thích ứng.

Cách sơ cứu cho người bị đột quỵ do nắng nóng

Vị trí chườm đá để hạ thân nhiệt cho người bị đột quỵ

Gọi ngay cho trung tâm cấp cứu khi phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ bị đột quỵ. Bệnh nhân cần được chuyển ngay đến trung tâm cấp cứu, hoăc bệnh viện để kịp thời cứu chữa, tránh để lại di chứng. Thời điểm vàng để cứu chữa cho bệnh nhân đột quỵ là khoảng từ 3-4,5 giờ, tính từ lúc người bệnh xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.

Trong khi chờ cấp cứu, cần đưa ngay người bệnh vào nơi có bóng râm thoáng mát, cởi bỏ bớt quần áo để giảm thân nhiệt. Nếu cảm thấy bệnh nhân quá nóng, phải làm mọi cách để làm mát cơ thể như:

  • - Cho người bệnh vào bồn tắm và xả nước mát
  • - Dùng quạt gió, đắp khăn ướt lên người bệnh nhân
  • - Chườm đá vào vùng bẹn, nách vì đây là vùng có nhiều mạch máu gần với da, khi được làm mát thì sẽ nhanh chóng giảm thân nhiệt của cơ thể.

Đột quỵ là một bệnh lý nguy hiểm, dù may mắn không nguy hiểm đến tính mạng thì cũng dễ để lại những di chứng về sau như: liệt nữa người, vẹo cơ mặt, liệt tay, chân… nên việc phòng tránh những nguy cơ dẫn đến tình trạng này, và trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản để sơ cứu cho người thân hay bất cứ ai không may gặp phải tình trạng đột quỵ là điều hết sức cần thiết.