Cà ri nấu áp suất là 1 trong những món ưa thích. Có nhiều kiểu cà ri tùy thuộc vào văn hóa vùng miền. Người thì thích kiểu Ấn, nhiều gia vị nồng nàn. Người thì thích vị chua cay kiểu Thái. Người thì thích kiểu Nhật nhẹ nhàng. Nếu ít thời gian, muốn đơn giản mà vẫn ngon kịch tính thì đây chính là món bạn cần
Chuẩn bị:
– Khoai lang, loại bé
– Cà ri xanh Thái Lan (có thể tự làm bằng lá chanh Thái kaffir lime, hạt ngò, sả…)
– Muối biển
Cách làm:
Gọt khoai cho gia vị vào nồi, nấu áp suất khoảng 10ph tắt bếp. Nếu để “ngâm” càng lâu thì món ăn càng ngon hơn. Có thể nấu từ sáng, bữa trưa dùng. Mùi vị sẽ khác hẳn so với nấu xong ăn ngay.
Lá chanh Thái là ngôi sao trong món này. Nếu ở TP HCM bạn có thể vào siêu thị trong Vincom A mua lá khô về dùng ngon bổ rẻ. Các loại paste gia vị Thái cần kiểm tra kĩ có “chất lạ” hay bột ngọt không trước khi dùng.
Đây là cách nấu đơn giản, tuy nhiên vẫn đạt được cao trào vị giác từ khoai lang và các gia vị Á Đông kết hợp tuyệt vời.
CHANH THÁI KAFFIR LIME Toàn cây có tinh dầu rất thơm nên được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, dược phẩm đến mỹ phẩm, trong đó bộ phận được sử dụng nhiều nhất trên cây là lá, và quả (với nước cốt, vỏ quả).
Theo đầu bếp Dương Huy Khải, một trong hai người châu Á được Viện Hàn lâm Ẩm thực Thế giới vinh danh, cho biết mùi thơm của lá chanh Thái mạnh gấp năm lần chanh thường.
Lá chanh Thái có vị the như lá chanh ta nhưng thơm nồng và gắt hơn, kích thích mạnh khứu giác và dịch vị người ăn, giúp khử tanh những món chứa độ đạm cao như bò, gà, lươn, rắn và trợ tiêu hóa.
Người nội trợ cho rằng lá là sự pha trộn của hương vị lá chanh, lá bưởi non và tinh dầu lá cari tươi. Không bị đắng và không mất hương dù nấu lâu, lá được sử dụng trong nhiều món ăn Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Bangladesh, Malaysia và nhiều nơi khác trên thế giới. Là gia vị đặc trưng trong ẩm thực Thái Lan, lá non cây chanh Thái được sử dụng ăn sống như một loại rau salad, lá bánh tẻ và lá già sử dụng trong các món cari, súp Thái, Tod Mun (chả cá Thái), lẩu Thái, món cá hấp Haw Moak, Pok Taek, làm siro đường, hấp cùng cơm, chế vào nước sốt ướp thịt lợn, thịt cừu, thịt gà.
Trong ẩm thực Việt Nam vùng Bảy Núi, lá chanh Thái được sử dụng cho món thịt gà hấp hay thái chỉ rắc lên gà luộc; các loại hải sản hấp (cá lóc, ốc, ngao, sò); xào lăn (lươn, ếch, rắn nước); kho (cá, thịt); làm gỏi (hến, gà); nấu các món lẩu hay canh chua; làm giả cầy v.v. Lá có thể dùng tươi, bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh hay phơi khô để tồn trữ lâu dài. Với lá già, người nội trợ thường xé nhỏ và bỏ gân lá, cuống lá để tránh bị đắng, lá khô nên đập nhuyễn trước khi sử dụng.
Kinh nghiệm dân gian còn dùng lá khử khuẩn ao nuôi cá, trị bệnh cho người và gia cầm, gia súc; kết hợp với sả, gừng để nấu nước tắm. Do dễ trồng, sống rất khỏe, chịu hạn giỏi, lá và quả khá độc đáo, cây cũng được trồng làm cảnh tại nhiều gia đình. (Wiki)
Nguồn: Bếp Thực Dưỡng