Đi từ thời cổ đại cho đến hiện tại, khả năng kỳ diệu của con người vẫn chưa bao giờ khiến chúng ta phải thất vọng. Chính vì vậy, nếu ai đã từng biết đến 7 kỳ quan của thế giới cổ đại, thì cũng không thể bỏ qua vẻ đẹp hùng vỹ của 7 công trình kiến trúc đã và đang tồn tại hàng trăm năm qua, chúng được gắn liền với cái tên “7 kỳ quan thế giới hiện đại”.

7 kỳ quan của thế giới hiện đại (hay thế giới mới) được bầu chọn bởi nhiều người trên khắp thế giới, thông qua mạng internet. Tất cả đều là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hùng vỹ đại diện cho nền văn minh nhân loại. Một điều ít ai biết, danh sách bình chọn này không được Tổ chức văn hoá, giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận. Do nó được tổ chức bởi tổ chức tư nhân phi lợi nhuận tên New Open World Corporation (NOWC).

Dù không được công nhận một cách chính thức nhưng UNESCO cũng đánh giá cao cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới. Đồng thời, nhờ có sự quảng bá tốt vượt trội nên chương trình bình chọn đã có tiếng vang và được biết đến trên toàn thế giới. Tiêu chí để được bình chọn đó là: được hoàn thiện trước năm 2000 và được bảo tồn tốt, do con người xây dựng, mỗi châu lục phải có ít nhất một đại diện, mỗi quốc gia chỉ được tham gia 1 công trình. Kết quả được công bố vào thứ 7 ngày 7 tháng 7 năm 2007, trong số 177 công trình tham gia bầu chọn, có 7 công trình được chọn vào danh danh “Những kỳ quan của thế giới hiện đại”.

Đấu trường La Mã ở Ý

Đấu trường còn có tên gọi khác là Colosseum, là một đấu trường lớn ở thành phố Roma nước Ý. Nơi đây, được xây dựng khoảng năm 70-80 trước công nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian. Đây là công trình xây dựng lớn nhất của Đế chế La Mã, được hoàn thành năm 80 sau công nguyên, trải qua 3 thời kỳ trị vì của 3 vị hoàng đế La Mã.  

Đấu trường này có sức chứa khoảng 50.000 khán giả, khi mới hoàn thiện, và sau này được mở rộng lên đến 80.000 người. Nó được ví như “sân vận động” thời trung cổ, có hình bầu dục, cao 48m. Theo ước tính nó tương đương với một toà nhà 10 tầng, dài 189m, rộng 156m. Phải cần đến 100 nghìn m3 đá hoa cương để xây dựng công trình này, tương đương khối lượng của 40 bể bơi kích thước tiêu chuẩn Olympic.

Dù mang dáng vóc nguy nga, nhưng nơi đây từng được ví như con đường dẫn đến địa ngục. Vì là đấu trường dành cho các võ sĩ giác đấu, nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu, và kết cục của họ thường không mấy tốt đẹp. Ước tính có khoảng hơn 500 ngàn người và hơn 1 triệu động vật, đã kết thúc sinh mạng của mình tại nơi này, trong những trò chơi sinh tử đẫm máu để mua vui cho người dân lúc bấy giờ.

Vạn Lý Trường Thành – Trung Quốc

Vạn Lý Trường Thành hay “bức tường dài vạn dặm”, là tên gọi chung cho nhiều thành luỹ kéo dài hàng nghìn cây số từ Đông sang Tây, được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ 16. Những đoạn tường thành đầu tiên sau khi được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, thì đã được Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh nối lại và xây dựng thêm từ năm 220 – 200 trước công nguyên. Hiện nay, công trình này chỉ còn sót lại một ít di tích và đoạn nổi tiếng được thăm quan nhiều nhất hiện tại là đoạn cuối xây dựng dưới thời nhà Minh (1368 -1644).

Chức năng chính của công trình này, chính là một tuyến phòng thủ quân sự bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc xâm lược của các bộ tộc du mục phương Bắc như: Mông cổ, Mãn Châu. Chính vì vậy, công trình này không ngừng được xây dựng kéo dài suốt 2000 năm. Cho đến cuối thời đại nhà Minh, nó đã bao bọc 15 tỉnh thành của Trung Quốc, mang hình dáng uốn lượn như loài Rồng. Tuy nhiên, công trình này không phải là một bức tường thành liên tục như nhiều người lầm tưởng, mà còn có các bức tường bên sườn, tường vòng tròn và tường song song. Cũng có phần không có tường mà được thay thế bằng “thành lũy tự nhiên” tạo nên từ núi cao và sông ngòi. 

Những người xây dựng nên Vạn Lý Trường thành hầu hết là nông dân, binh sĩ, và tù binh, tù nhân phạm tội. Theo ước tính có khoảng 800.000 công nhân, và hàng ngàn người trong số đó đã chết trong quá trình xây dựng. Hầu hết họ sẽ được chôn nay dưới chân móng của Vạn Lý Trường Thành, do đó nơi đây còn được mệnh danh là “Nghĩa trang dài nhất thế giới”.

Thành phố Petra ở Jordan

Petra là khu vực khảo cổ học phía tây nam Jordan, giữa thung lũng lớn chạy từ Biển Chết đến vịnh Aqaba, Petra sở hữu nền văn hóa tinh tế, kiến trúc đồ sộ và tổ hợp các con đập, kênh nước độc đáo. Những người du mục cổ tại Nabataean đã định cư ở đây hơn 2000 năm trước, và biến nơi này thành ngã ba quan trọng trong việc trao đổi tơ lụa, gia vị… giữa nhiều vùng đất.

Nó nổi tiếng với rất nhiều bức tượng được tạc trên đá, và được công nhận như “một thành phố hoa hồng đỏ với tuổi đời bằng một nửa độ dài của thời gian”. Cho đến hiện tại, các nhà khoa học cũng chưa thể phát hiện được lịch sử hình thành của Petra bắt đầu từ khi nào, chỉ phỏng đoán vào khoảng 1550 đến 1292 trước công nguyên, trong triều đại thứ 18 của Ai Cập. Phải mất từ 4 đến 5 ngày mới có thể khám phá hết vẻ đẹp của công trình rộng lớn này.

Khu di tích Chichén Itzá tại Mexico

Khu quần thể di tích này được người Maya cổ đại xây dựng lên. Đây được xem là công trình vỹ đại nhất còn sót lại, của tộc người sở hữu nền văn minh đáng kinh ngạc và để lại nhiều bí ẩn cho các nhà khoa học. Cho đến nay, vẫn chưa ai có thể tìm ra lời giải đáp cho sự biến mất đột ngột của bộ tộc này.

Người Maya đã xây dựng những công trình đầu tiên trong khu di tích từ những năm 600 sau công nguyên, và dần biến nơi đây trở thành một trong những trung tâm văn hoá, xã hội thiêng liêng nhất trong hàng trăm năm. Theo ghi nhận của những cuốn biên niên sử của người Maya, công trình này bước vào thời kỳ suy tàn bởi cuộc nội chiến bắt đầu vào thế kỷ thứ XIII. Tuy nhiên, theo dữ liệu khảo cổ học mới nhất, Khu di tích Chichén Itzá đã bắt đầu sụp đổ khoảng 1000 năm trước công nguyên.

Dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng nhiều công trình, đền đài, kim tự tháp vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nổi tiếng nhất chính là kim tự tháp Kukulkan, đây là ngôi đền của thần Rắn linh thiêng. Kim tự tháp Kukulkan cao 24m và có ngôi đền trên đỉnh cao 6m, với bốn mặt đối xứng, mỗi bên có 91 bậc thang, cộng với phần đàn tế ở đỉnh tháp là 365 bậc tượng trưng cho các ngày trong năm. 52 phiến đá làm nên kim tự tháp biểu hiện cho vòng luân chuyển 52 năm trong lịch của người Maya.

Thành phố Machu Picchu ở Peru

Theo nhiều tài liệu khảo cổ học, thành phố Machu Picchu là tàn tích của nền văn minh Inca, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 15. Thành phố này nằm ở độ cao 2.430m, nó dần bị quên lãng cho đến năm 1911, khi nhà sử học Hoa Kỳ Hiram Bingham được những người dân địa phương dẫn tới nơi này, thì công trình mới dần được chú ý là trở thành 1 trong 7 kỳ quan của thế giới mới.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Machu Picchu, vốn là tài sản riêng của hoàng đế Inca. Nơi đây đã từng được xem là thánh địa tôn giáo, bỡi những con đường chính và một số kiến trúc trong công trình đều mang mục đích nghi lễ nhất định. ngoài ra, còn có giả thuyết cho rằng Machu Piccu được xây lên với mục đích phòng thủ quân sự, song điều này bị hầu hết chuyên gia bác bỏ. Khu vực này được xem là có người sinh sống vào khoảng giữa năm 1420 và 1532, theo nghiên cứu định tuổi AMS carbon phóng xạ vào năm 2021.

Đền thờ Taj Mahal tại Ấn Độ

Công trình được xây dựng từ năm 1631 đến năm 1653, kiến trúc sư chính của công trình này là một thợ thiết kế thủ công có tên Ustad Ahmad Lahauri. Đây được xem là công trình có kiến trúc tuyệt vời, độc đáo nhất kết hợp nhiều phong cách kiến trúc của: Ấn Độ, Ba Tư, Thổ Nhỉ Kỳ, và Hồi giáo.

Ngôi đền nổi tiếng này toạ lạc tại Mahal nằm ở thành phố Agra bang Utar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Nơi đây, được xem là biểu tượng của tình yêu bất diệt giữa hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal. Ngôi đền được xây dựng bằng đá trắng nổi bật trong một khuôn viên rộng lớn, một sự kết hợp vô cùng hài hoà. Chính vì vậy, Taj Mahal đã được UNESCO công nhận là Địa điểm Di sản Thế giới vào năm 1983. Và được miêu tả là một "kiệt tác nên được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới".

Tượng chúa Kitô cứu thế tại Brazil

Bức tượng nằm trên đỉnh núi Corcovado cao 710m, với rừng rậm bao bọc xung quanh, thuộc thành phố Rio de Janeiro – Brazil. Tượng được tạc theo trường phái Art Deco, có chiều cao 30m, đặt trên bệ cao 8m, sải tay của tượng 28m, và nặng 635 tấn. Phải mất 9 năm để hoàn thành công trình này, từ năm 1922 đến năm 1931. Ngoài việc được xem là biểu tượng Kitô giáo của thành phố Rio, thì đây còn là biểu tượng cho sự hoà bình và lòng hiếu khách của người dân Brazil.