Theo báo cáo mới nhất của Công ty di trú đầu tư Henley & Partners, với khoảng 340.000 triệu phú, New York một lần nữa đứng đầu danh sách thành phố giàu nhất thế giới.
Báo cáo được cập nhật số liệu tính đến ngày 31-12-2022 đã khảo sát 97 thành phố ở 9 khu vực trên thế giới của Henley & Partners, xét về mặt quốc gia, Mỹ chiếm 10 trong số 50 thành phố giàu nhất thế giới. Trung Quốc theo sau với 5 thành phố lọt vào top 50, còn Úc xếp thứ 3 với 4 thành phố.
Theo tiêu chí của Henley & Partners để được coi là "triệu phú", với tư cách là cư dân đang sống ở thành phố, một người phải chứng minh có khả năng đầu tư trên một triệu USD.
Năm thứ hạng đầu tiên thuộc về các thành phố: New York (Mỹ), Tokyo (Nhật), Bay Area (bao gồm thành phố San Francisco và Thung lũng Silicon của bang California), London (Anh) và Singapore.
Với số lượng cá nhân có tài sản ròng cao tăng 40% trong giai đoạn 2012-2022, New York vươn lên giữ vị trí đầu bảng. Tỉ lệ đó tương đương với Singapore, nhưng tụt lại so với các thành phố như Thượng Hải (Trung Quốc), Houston (Mỹ), Dubai (UAE) và Mumbai (Ấn Độ).
Trong hạng mục số lượng tỉ phú, Bay Area của California giành vị trí số 1 với 63 tỉ phú. Tiếp theo là New York, Bắc Kinh, Los Angeles (Mỹ) và Thượng Hải.
Về tỉ lệ tăng, thành phố Hàng Châu của Trung Quốc dẫn đầu với mức tăng đạt tỉ lệ 105%, trong khi Austin (bang Texas, Mỹ) đứng thứ hai với mức tăng 102%.
Miami và West Palm Beach (bang Florida, Mỹ) - nơi được hưởng lợi từ việc một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp và công ty tài chính nổi tiếng chuyển đến South Florida đã chứng kiến số lượng cá nhân có giá trị ròng cao tăng lần lượt là 75% và 90% trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Ở một khía cạnh khác, sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt và làn sóng di cư kèm theo cuộc chiến của Nga ở Ukraine dường như đã tác động mạnh đến Matxcơva.
Số lượng triệu phú gọi thủ đô của Nga là quê hương đã giảm 44% so với một thập kỷ trước đó, trong khi thành phố St. Petersburg giảm 38%.