Các chuyên gia tuyển sinh dự đoán điểm chuẩn đại học xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT ở các trường top đầu sẽ giảm, đặc biệt, rất hiếm ngành có điểm chuẩn 30, cho tổ hợp xét tuyển 3 môn như các năm trước.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với 1 triệu thí sinh dự thi đã kết thúc, công tác chấm thi đang được tiến hành. Các nhà chuyên môn dự đoán phổ điểm môn Toán khá cao nhưng không nhiều điểm 10. Môn Tiếng Anh có khoảng 85% thí sinh dự thi đạt từ 3-7 điểm, mức điểm phổ biến thí sinh có thể đạt được là từ 6-8. Phổ điểm môn Ngữ văn dự kiến ở mức 6-8 điểm.

Đối với Tổ hợp khoa học tự nhiên, các môn Lý, Hóa, Sinh đều dễ đạt 6-7 điểm. Trong đó, điểm 8-8,5 môn Vật lý có thể nhiều hơn năm ngoái; phổ điểm môn Hóa dao động từ 6-7; đề môn Sinh dài nhưng thí sinh không quá khó để đạt điểm trung bình.

Đối với Tổ hợp Khoa học xã hội, cả ba môn Địa, Sử, Giáo dục Công dân đều 'dễ thở'. Trong đó, môn Lịch sử dự kiến phổ điểm sẽ ở đỉnh từ 4-5,5, nhưng với thí sinh chọn môn thi này để xét đại học sẽ đạt điểm từ 7 trở lên; Với môn Địa lý, học sinh dễ dàng đạt điểm 7; Môn Giáo dục công dân điểm sẽ cao, phổ điểm dự kiến sẽ nằm ở mức 7-8,5 điểm.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TP.HCM, nhìn nhận đề thi môn Toán khó nhất trong các môn, có nhiều câu hỏi làm cho thí sinh "đánh lụi" bài thi. Dự kiến, ít thí sinh đạt điểm 9, 10 môn Toán, mà chủ yếu là rơi vào mức 5,5 - 6,5 điểm.

Môn tiếng Anh, điểm số chắc chắn cao hơn năm ngoái vì thí sinh hiện nay đầu tư học ngoại ngữ nhiều hơn trước, tuy nhiên điều này cũng phụ thuộc vào vùng miền. Ở thành phố, điểm môn tiếng Anh dự kiến trung bình khoảng 6 - 7 điểm,  ở vùng sâu vùng xa điểm trung bình khoảng 3,5 - 4,5 điểm.

Các môn Ngữ văn, Địa, Sinh, Công dân, Sinh, Hoá, Lý điểm thi sẽ tương tự năm ngoái. Điểm tuyệt đối ít và mức trung bình khoảng từ 5,5 - 6,5 là chủ yếu.

Điểm chuẩn có thể giảm

Theo ông Phạm Thái Sơn, năm nay, việc xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ "khốc liệt" hơn năm ngoái vì các trường chủ yếu tập trung vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Dự kiến mức điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn năm ngoái từ 0,5 – 1 cho nhiều trường đại học ở top giữa.

Các trường đại học thuộc nhóm top trên, điểm chuẩn vẫn cao như năm ngoái, khoảng từ 24 – 28 điểm, nhưng có khả năng sẽ giảm. Các ngành thuộc nhóm xét tuyển khối C00, C04, C03… điểm chuẩn dự đoán sẽ cao, từ mức 25 - 29 mới đỗ được vào trường top trên.

Lý do là tỷ lệ đăng ký thi tốt nghiệp các môn Khoa học xã hội nhiều hơn các môn Khoa học tự nhiên và đề thi cũng được đánh giá là "dễ thở" hơn, ngoài ra cũng có ít ngành điểm trúng tuyển tối đa.

 Ảnh: Thanh Hùng

Tại Trường ĐH Công Thương TP.HCM, ông Sơn dự đoán điểm chuẩn xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ thấp hơn năm ngoái chừng 0,25 – 1 điểm. Lý do là chỉ tiêu năm nay cao hơn năm ngoái và số lượng hồ sơ xét tuyển sớm nộp vào trường chỉ bằng hơn 1/3 năm ngoái, ngoài ra, nhà trường kiên quyết không giảm điểm xét tuyển bằng học bạ THPT.

Ông Phùng Quán, chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng với những đánh giá của các chuyên gia về đề thi các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ, các ngành "hot" điểm chuẩn sẽ tiếp tục cao do chỉ tiêu còn không nhiều, các bài thi điểm khá cao dù khó có điểm 10.

“Các ngành điểm từ 21-24 điểm sẽ tăng nhẹ, các ngành dưới 21 điểm năm nay cũng sẽ không nhiều thay đổi do số học sinh quan tâm không nhiều”- ông Quán nhận định.

Ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ giảm bởi hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất theo ông Nhân là mức độ phân hóa cao của đề thi, thí sinh đạt mức điểm trên 8 là khó, đặc biệt các môn Toán, Vật lý.

Trong khi đó, tổ hợp môn xét tuyển phổ biến của các trường đại học lại liên quan đến các môn này. Do đó so với 2 năm trước thì điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ giảm với những ngành có điểm chuẩn cao.

Nguyên nhân thứ hai là chỉ tiêu dành cho phương thức xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT hiện nay còn rất nhiều, vì số lượng thí sinh xét tuyển sớm vào các trường ĐH đều giảm đáng kể so với năm trước. Vấn đề này khiến các trường ĐH buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu còn lại của phương thức xét tuyển sớm cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Điểm chuẩn sẽ giảm ở những ngành mà 2 năm trước đây có điểm chuẩn từ 25 trở lên.  Ở các ngành có điểm chuẩn từ 20-24 của các năm trước sẽ thay đổi không nhiều. Những lĩnh vực có thể điểm chuẩn giảm gồm Công nghệ thông tin,  Kinh doanh quản lý, Sức khỏe”- theo lời ông Nhân.

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, cũng công nhận độ khó đề môn Toán thi tốt nghiệp THPT năm nay đã nhỉnh hơn so với các năm trước. Tuy nhiên ở Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chỉ tiêu dành cho phương thức xét từ điểm thi tốt nghiệp vẫn không đổi và đây vẫn là phương thức chính chiếm từ 60- 65% tổng chỉ tiêu.

Riêng Chương trình chính quy chuẩn, chỉ tiêu từ phương thức này chiếm tới 95% tổng chỉ tiêu. Từ hai cơ sở này, điểm chuẩn vào trường không có cơ sở tăng mà có thể đứng yên hoặc giảm nhẹ.

Theo báo Vietnamnet