Hàng năm, có ba hội nghị thượng đỉnh được riêng biệt, tập hợp các chính trị gia, chuyên gia, doanh nhân và người trẻ để thảo luận về ba khủng hoảng: lương thực, thương mại và biến đổi khí hậu. Đây là ba vấn đề có liên quan mật thiết với nhau nhưng chúng được thảo luận một cách riêng biệt. Chúng ta được dạy rằng GDP đại diện cho mức độ tăng trưởng của một quốc gia; rằng nền kinh tế càng phát triển thì chúng ta cũng sẽ phát triển theo.
Nhưng GDP là gì?
Một cách dễ hiểu, GDP được tính bằng tổng số tiền được chuyền từ tay người này qua người khác. Một cách dài dòng, Gross Domestic Product, dịch là, Tổng sản phẩm trong nước, là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).
Từ định nghĩa trên, nếu một cái cây được trồng ngay lúc này thì sẽ không có sự phát triển nào cả; trong khi một cái cây khác bị chặt đi, sẽ có “sự tăng trưởng” vì phát sinh tiền để trả nhân công chặt cây và mua bán sau đấy. Vậy ai trong chúng ta muốn trồng cây, và ai trong chúng ta muốn chặt cây nhân danh sự tăng trưởng?
Khi bạn mua một chiếc xe máy, GDP tăng. Sau đó, bạn mua xăng, GDP tăng. Trong lúc lái xe, cái xe phát ra khí thải CO2; bạn hít phải chúng rồi bị bệnh và đi khám - GDP tăng thêm lần nữa.
Khi bạn đi mua thực phẩm ở các chuỗi cửa hàng bán lẻ, GDP tăng rất nhiều. Dù biết phần lớn thực phẩm chế biến có thể dẫn đến bệnh tật nhưng càng bệnh, hóa đơn khám chữa bệnh và thuốc men sẽ càng tăng, nghĩa là GDP tăng.
Truyền thông và giáo dục nhà trường liên tục nhắc ta rằng GDP là dấu hiệu của sự phát triển mà quên đi sự tàn phá môi trường và sức khỏe của mỗi người. Vậy khi có người nói bạn về điều này rồi, bạn có đặt lại câu hỏi về hệ thống đang vận hành hướng đến sự tăng trưởng kinh tế mà bạn đang ở trong đó.