Ở những năm cuối đời NSƯT Vũ Linh đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo. Đây được xem là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở cả nam và nữ. Nguyên nhân hàng đầu của căn bệnh này là do hút thuốc lá.
Trước đó, chúng ta từng chứng kiến không ít nghệ sĩ từng mắc phải căn bệnh này và đã qua đời như NSƯT Văn Hiệp (qua đời ngày 9/4/2013), ca sĩ Minh Thuận (qua đời ngày 18/9/2016), NSƯT Hán Văn Tình (qua đời ngày 4/9/2016), diễn viên Duy Thanh (qua đời ngày 14/4/2017), nghệ sĩ Lê Bình (qua đời ngày 1/5/2019)...
Có một điều “lạ” mà quen, khi hình ảnh giới văn nghệ sĩ phần đông đều gắn liền với những điếu thuốc. Việc hút thuốc trở thành điều hiển nhiên và nó gắn liền như một cái “nghiệp” khó bỏ đối với những người làm “nghề” trong lĩnh vực nghệ thuật , như: nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ,….
Những người nghệ sĩ đam mê khói thuốc có lẽ không nhiều bằng những người không sử dụng nó. Nhưng phần lớn lại rơi vào những nghệ sĩ lớn có tên tuổi. Điển hình là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi nhắc đến ông không thể không nhắc đến rượu và thuốc lá. Dù rằng cuối đời ông đã từ bỏ khói thuốc vì lý do sức khoẻ, và vì “thuốc có thể hút một mình, chứ rượu thì không thể thiếu bạn”, lúc này bác sĩ đã buộc ông phải bỏ đi một trong hai thú vui của đời mình.
Cũng gắn liền với hình ảnh khói thuốc, ở lứa tuổi trẻ hơn là nam ca sĩ Bằng Kiều. Dù định cư Mỹ đã lâu, nhưng hút thuốc lào lại là một đam mê khó bỏ của anh từ trong nước cho đến lúc định cư tại hải ngoại. Trước khi bước lên sân khấu dù lớn hay nhỏ, dù chỉ là hát giao lưu hay một đêm nhạc hoành tráng, thì Bằng Kiều cũng thường xuyên phải “làm một hơi” thuốc lào, như thể nó sẽ giúp anh thăng hoa cảm xúc. Ống điếu đã trở thành vật không thể thiếu của anh trong những chuyến lưu diễn.
Trong giới nghệ sĩ nữ, danh ca kỳ cựu Khánh Ly được nhắc đến như một người không có đối thủ chỉ vì thói quen hút thuốc của bà. Bà có thể hút vài gói mỗi ngày, hút liên tục, hút đến mức có thể làm cho người đối diện ho sặc sụa vì khó chịu. Điếu thuốc gắn liên với mọi sinh hoạt đời thường của bà, chỉ trừ khi bước lên sân khấu. Nhưng cũng chỉ vì muốn giữ cái chất giọng allto khàn đục, đặc biệt của mình mà bà đã không thể rời nó, vì chỉ ngưng một thời gian bà lại thấy chất giọng của mình trong hơn. Bất chấp mọi lời khuyên ngăn của bác sĩ, bà vẫn giữ thói quen ấy như cái “nghiệp” của “nghề” mình theo đuổi.
Sự ra đi của NSƯT Vũ Linh vì căn bệnh liên quan trực tiếp đến khói thuốc, có lẽ cũng không phải là dấu chấm kết cho câu chuyện này. Giới nghệ sĩ họ đến với nghề bằng chữ duyên, phát triển bằng tài năng, nhưng lại cũng dễ kết thúc bằng cái “nghiệp”, mà đáng ra ngay từ đầu họ có quyền lựa chọn không gắn liền, không mượn nó để đem lại những cảm xúc trong “nghề”, không để nó gắn liền với “hình tượng”.
Không chỉ riêng nghệ sĩ, mà với bất kỳ ai thì việc bỏ thuốc lá cũng không thể nói là làm ngay. Nhất là khi hình ảnh của họ mặc nhiên được “công nhận” gắn liền với những điếu thuốc và làn khói ảo diệu. Tuy nhiên, theo thời gian mọi thứ cũng dần thay đổi, từ cách nhìn của khán giả, đến phản ứng của dư luận và giới truyền thông. Tất cả đều có cái nhìn khắt khe hơn, điều chúng ta mong muốn ở những người nghệ sĩ không chỉ là việc họ cống hiến tài năng cho nghệ thuật, mà hãy là những tấm gương tích cực cho phần đông khán giả luôn theo dõi, ủng hộ họ trên con đường nghệ thuật ấy.
Vân Anh
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả