Hải Thưỡng Lãn Ông đã nói "trăm bệnh từ gốc là thận kí mà ra" Vậy làm thế nào để dưỡng thận?

Đó là một câu hỏi khó, bởi dưỡng được thận là dưỡng được toàn thân. Chân khí hay tiên thiên khởi nguồn ở thận mà ra. Hay thận chủ tinh khí, thận chủ xương tủy.

Đậu đen hạ thổ phải đúng cách

ĐẶC ĐIỂM ĐẬU ĐEN:

Dân gian và cả trong y thư có nói về một thứ rất hữu ích cho thận, có thể dưỡng thận và chữa một vài chứng bệnh nhẹ nhẹ.

Nói về tính vị công dụng và các bài thuốc thì trên mạng, sách vở nói nhiều rồi. Nhưng ở bài này, tôi nói thêm vài điểm ở khía cạnh âm dương.

Đậu đen được coi là âm (ly tâm), hàn lạnh. Nó được nói là qui kinh can thận vì có màu đen, tính thủy. Năng lượng của nó hướng xuống phía dưới, chìm. Tận dụng điều này mà người ta dùng đậu đen để dẫn hỏa xuống dưới làm ấm phần dưới hay ấm thận. Đó là vai trò của đậu đen mà các thứ khác không có được.

Vì nó có tính âm, mát nên nó được dùng như một cái vỏ đường để bao bọc lấy nhân bên trong là hỏa và mang cái hỏa đó đi sâu xuống dưới. Hỏa ở đây là một dạng năng lượng nóng, ấm có thể là từ gừnghoặc từ lửa. Nếu không có phần âm bao bọc thì hỏa đó sẽ làm hại và không thể dùng hay đi xuống dưới được, mà nó thành hư hỏa. Hiểu nôm na là bạn giấu hỏa vào trong đậu đen giống như giấu thuốc đắng vào một cái vỏ bọc đường vậy.

Thế nên, đậu đen rất lợi hại để chế biến.

LƯU Ý VỀ ĐẬU ĐEN:

Trà đậu đen rang làm trà là món rất quen thuộc và dễ làm, dễ dùng, nhiều người đang sử dụng. Nhưng làm thế nào để tốt nhất thì chưa chắc chúng ta đã biết. Chúng ta phải nắm được ưu nhược điểm của đậu đen và cách chế biến.

Điểm thứ nhất về tính vị Trong y thư, các phương cách chế đậu đen thường là rang rồi chưng hay dùng với rượu, với gừng bởi vì đâu đen có tính hàn. Nếu không nắm được điều này thì vô tình chúng ta lại bệnh thêm. Nói chung nếu dùng phép rang, thì chúng ta cần rang cho đến khi cắn đôi hạt đậu thấy chuyển màu vàng sẫm mới đạt.

Còn trong đông y người ta có thể sao đen hoặc sao non hơn nhưng dùng với rượu là thứ rất nóng. Và để an toàn (không gây lạnh) và có kết quả tốt hơn thì chúng ta cần phải khử bớt tính hàn. Việc rang cũng là một cách để khử hàn nhưng tốt hơn nên cho thêm gừng. Đậu đen phải có gừng. Khi chúng ta cho gừng vào, bạn có thể thấy dường như không còn cay vì đậu đen hút hết gừng.

Điểm thứ 2 là về cách chế biến. Hầu hết chúng ta cứ nghĩ rang lên là được, cứ rang là được. Nói về vấn đề này nó hơi hàn lâm nhưng rất quan trọng. Đó là vấn đề hư hỏa trong các thức rang. Khi Trạng Down nói về hư hỏa cách đây 3 năm, rất nhiều người vào phản đối, ngay cả các bậc lão thành trong làng thực dưỡng cũng phản đối và cho rằng nó không tồn tại và rằng tôi huyên thuyên làm phức tạp hóa vấn đề. Để thấy rõ sự tồn tại của hư hỏa, các bạn làm cho tôi thí nghiệm này.

Cho đậu đen vào lò vi sóng quay cho đến khi hạt đậu vàng thơm, đạt tiêu chuẩn là hạt rang, rồi sau đó đổ ra bát và để cho nguội. Bạn hãm đậu rang này và lấy nước uống và cảm nhận xem nó có nóng cổ, nóng ruột háo nước hay không.

Háo nước là uống rồi vẫn không đã, vẫn muốn uống nữa vì vẫn thấy khát, mà uống nữa vẫn thấy khát. Để không bị vấn đề trên thì chúng ta cần phải biết khử hư hỏa.

Cả 2 vấn đề trên, người không trong nghề khó mà nhận diện và cảm nhận được. Cả 2 vấn đề trên thì hậu quả của nó không biểu hiện rõ ràng và ngay lập tức cho chúng ta thấy thế nên lại càng khó biết. Nó là vấn đề rất tai hại chứ không phải hại vừa.

Vậy thì làm thế nào để có một món trà đậu đen rang chuẩn và tốt. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu.

Tiêu chí để xét trà đậu đen rang có tốt hay không thì có vài điểm sau.

Thứ nhất uống vô phải thấy dễ chịu, thấy đã, không thấy háo nước, nóng cổ nóng ruột. Thứ 2, người bụng yếu không cảm thấy lạnh bụng hay không làm cho đại tiện ướt tã, không cảm thấy tay chận bị lạnh thêm.

CÁCH LÀM TRÀ ĐẬU ĐEN

  1. Đậu đen đãi sạch. 1kg đậu đen thì bạn cho thêm 100gram gừng tươi. Gừng rửa sạch rồi thái miếng mỏng cho vào nồi nước ninh cỡ khoảng 30p -45p để ra hết cay. Có thể ninh vào một nồi nhỏ rồi lát hòa vào nồi to. Chuẩn bị một nồi nước to để trần đậu đen. Với 1kg đậu đen bạn cho cỡ 1,5 lít nước.
  2. Đun sôi nồi nước này và pha nước gừng vừa đun vào. Chúng ta có một nồi nước gừng để trần đậu đen. Bạn có thể cho thêm 1 chút xíu muối vô cũng được. Một chút xíu muối này làm thận khoẻ hơn, có lực dương hơn chứ không hại gì hết. Thậm chí điều này là rất cần.
  3. Đổ đậu đen vào nồi nước gừng đang sôi, vừa đun vừa đảo cho đến khi cái da của hạt đậu nó nhăn nheo, nghĩa là nó mềm ra là được, hạt đậu bên trong vẫn cứng, chỉ có cái vỏ hạt là mềm thôi. Tùy loại đậu, nói chung khi đổ đậu vào đun sôi lăm tăm lại là được.
  4. Đem đậu ra phơi cho khô để rồi mang đi rang. Chảo hoặc nồi phải dầy và nên dùng chảo nồi gang (nhôm cứng), không rang nồi mỏng và cũng không nên dùng nồi inox. Nồi hay chảo phải dày cỡ 5mm thì mới không bị hư hỏa và không bị cháy. Rang lửa vừa phải, nhớ là dùng lửa, lửa củi hay lửa gas cũng được nhưng là lửa. Rang đến khi nào thấy thơm và cắn hạt đậu thấy giòn và màu vàng là được.
  5. Trước đó chuẩn bị dụng cụ để hạ thổ. Đại loại chúng ta kiếm 1 cái âu hay cái nồi gì đó thật dày và vừa với chỗ đậu đen rang đó, không được quá rộng, vì rộng thì bên trong có nhiều không khí thì không được. Vò một tờ giấy cho nhàu nhàu để làm lớp lót rồi đổ đậu vào, đậy thật kín và khít. Vì nóng gặp lạnh nên sẽ đổ mồ hôi nên sau khoảng 2p lại mở ra lau khô rồi lại úp vào.Nếu mà cái nồi hay âu mà mỏng quá thì nó sẽ nóng ngay và quá trình đổ mồ hôi không được nhiều. Vì thế mà kiếm được cái cối đá để mà hạ thổ thì tốt. Hoặc là người ta úp xuống nền gạch không tráng men có lót giấy rồi dùng cái gì đó đậy kín ở trên (cái nồi hoặc bát cũng được). Cũng thi thoảng mở ra lau khô mồ hôi. Sau khoảng 5 lần lau thì nước trong hạt đậu cũng được rút hết ra. Hạt đậu thực sự khô và thơm. 
Đậu đen luôn phải có gừng

Trước hết những người có các chứng về thận như tiểu đêm, tiểu nhiều, tiểu dắt, tiểu vàng xót do nóng trong hoặc thậm chí là tiểu trong xõng do bị lạnh trong thì trà này giúp cần bằng trở lại.

Những người bị ngứa hay các chứng về ngứa có thể uống cái này. Ngứa do độc bên trong và cũng do phần âm bị hư hao, thường xảy ra mùa nóng.

Những người ăn thịt nhiều, uống rượu nhiều thì trà này làm mát.

Những người bị mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường…

Những người gầy, có thể đem nghiền đỗ này để làm bột uống rất tốt, có tính tăng cân cao. Nếu làm dạng bột để uống thì k cần rang hạt quá vàng. Người béo thì chỉ nên dùng dạng trà hãm lấy nước. Những người bị lạnh bụng, phân tã nát thì thêm gừng và rang già lửa hơn.

BÀI KẾT HỢP THÊM Nếu kết hợp thêm với đậu đỏ nữa thì rất tốt. Cách chế biến đậu đỏ đơn giản hơn, chỉ cần đãi sạch trần qua nước sôi (không pha gì cả) rồi phơi, rang vàng, hạ thổ y như trên. Mỗi lần dùng thì cho nửa nọ nửa kia tổng là 30-50gram.

Kết hợp với cỏ mực (hay cỏ nhọ nồi). Hái cỏ mực đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sau đó sao vàng trên lửa than. Hằng ngày dùng khoảng 30g cây cỏ mực nấu chung với 40g đỗ đen rang cháy vừa chữa chứng thận hư suy mới bị. Đun hỗn hợp cỏ mực và đỗ đen sôi rồi chắt lấy nước uống như uống nước bình thường. Mỗi thang thuốc có thể nấu nhiều lần. Bài thuốc từ cỏ mực và đỗ đen phù hợp với mọi cơ địa, không hề lo lắng xảy ra tác dụng phụ.

TÁC DỤNG CỦA ĐẬU ĐEN

Công hiệu của hắc đậu lợi được thủy đạo, hạ được khí nóng ở trong dạ dày, tiêu được những thức ăn, trừ được gió độc, làm cho mát mẻ trong lòng, cho tâm thần được yên ổn, cho mắt sáng ra, cho mạch máu được lưu thông trơn chạy. Nó lại giải độc được đan thạch (sỏi), trục được thủy thũng (tích ứ nước), tiêu được chứng sưng, chỉ được chứng đau, giải được độc ô đầu và độc các thứ thuốc khác.

Nó chữa được hết thảy các chứng ung nhọt. Giã nhỏ ra mà đắp vào các chỗ đau. Thứ nào hạt nhỏ mà chắc là tốt. Tính nó sợ các thức sâm và long đảm thịt lợn (một số thứ có tính lạnh hàn), kỵ hậu phác. Nó được tiền hộ hạnh nhân, mẫu lệ và các thứ nước mật càng hay.

Trong sách nội kinh nói rằng: tính nó trục được chứng thủy trướng, chữa được chứng nóng ở trong dạ dày, hạ được ứ huyết, tiêu tan được những tích khối kết của 5 tạng.

Loại đậu này nhiều sách cổ Trung Hoa có viết: Ngoài bông cúc ra, đậu đen là loại thực phẩm dưỡng sinh tốt nhất để bổ mắt đến già vẫn đọc được chữ; hay sách Đông y đời Mãn Thanh ghi đậu đen tính hàn, vị cam (ngọt), sắc đen, chứa nước, hình dáng giống quả thận, nên có khả năng làm sáng mắt, lợi thủy, bổ thận, nhuận tâm, giải nhiệt, khu phong, hoạt huyết, giải độc, giảm đau, trừ chứng sưng phù. Dùng đậu đen giã nát hay đâm vụn, đắp lên chỗ sưng đau sẽ chóng lành.

Hay ăn đậu đen thường xuyên phòng được chứng ban trái.

Còn sách “Bản thảo bị yếu” viết: Đậu đen có đặc tính làm cho người già mắt yếu được sáng trở lại; có công hiệu bổ thận và điều hòa hệ thống tim mạch. Nhờ sử dụng đậu đen thường xuyên mà có cụ già trên 80 tuổi vẫn không phải đeo kính lão, lên xuống cầu thang không biết mệt, viết tay không run. Táo bón nhờ đậu đen làm nhuận tràng, đại tiện trở lại bình thường…

Sách “Thọ thân dưỡng lão tân thư” viết: Lý Mỗ tiên sinh mỗi sáng thức dậy nuốt 27 hạt đậu đen tròn; đến nay đã già nhưng mắt vẫn tỏ, tai vẫn thính như tuổi thanh xuân. Sách “Dưỡng lão càn thư” của Huy Thân viết: “Mỗi sáng nuốt 49 hạt đậu đen xanh lòng, suốt đời sáng mắt, thính tai, đen tóc, tiêu mụn nhọt”…

Tham khảo thêm về công dụng và các phương thang đơn giản hiệu nghiệm trong đó có cách chế đậu đen để chống nạn đói nếu xảy ở bài Toàn Tập Về Đậu Đen. Qua đấy các bạn cũng hiểu phần nào về món Arura mà thành phần chính là đậu đen và vừng đen được chế biến công phu.

Nguồn: Vũ Minh Việt