Gần đây, vụ việc diễn viên Ngọc Lan khóc lóc lo mất tiền tỷ khi mua bảo hiểm và băn khoăn chưa rõ hợp đồng 74 năm là sẽ đóng 74 năm hay hợp đồng 74 năm thì được bảo vệ trong vòng 74 năm "làm nóng" dư luận.

Mới đây, diễn viên Ngọc Lan gây xôn xao khi livestream thể hiện sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cô và con trai. Theo chia sẻ của nữ diễn viên, cô mua gói bảo hiểm cho mình là 530 triệu đồng/năm, gói của con trai là 170 triệu đồng/năm. Ngọc Lan được tư vấn rằng, sau 10 năm lấy về tiền gốc 7 tỷ cộng thêm tiền lãi là xấp xỉ 10 tỷ. Nhưng gần đây, nữ diễn viên phát hiện, cô phải đóng phí tới 74 năm và con số nhận về không như tư vấn nói.

Thế nhưng, trước đó, diễn viên Ngọc Lan cho biết, vì tin người tư vấn nên chị đã không đọc kỹ hợp đồng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ khiến dân mạng một phen xôn xao!

Bảo Hiểm Nhân Thọ Là Gì? Các Loại Hình Phổ Biến Nhất 2023 | Timo

Hiểu thế nào về hợp đồng bảo hiểm?

Trước khi mua sản phẩm bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm cần hiểu được 2 khái niệm liên quan tới thời gian đóng bảo hiểm nhân thọ.

Trước hết, thời hạn của một hợp đồng bảo hiểm là khoảng thời gian mà hợp đồng có hiệu lực và quyền lợi của người tham gia vẫn được duy trì. Thời hạn bảo hiểm thường duy trì trong khoảng từ 10 đến 25 năm, tới tuổi tối đa tại ngày đáo hạn là 75 tuổi, 99 tuổi hoặc trọn đời .

Trong khi đó, thời hạn đóng phí là khoảng thời gian mà người tham gia thực hiện đóng phí để hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm cho một hợp đồng. Tùy thuộc vào mỗi sản phẩm, nhu cầu cũng như khả năng kinh tế, khách hàng lựa chọn thời hạn đóng phí bảo hiểm linh hoạt như đóng phí một lần, đóng phí ngắn hơn thời hạn bảo hiểm hoặc đóng phí bằng thời hạn bảo hiểm.

Chẳng hạn, chị Thu Thúy (Hà Nội) mua gói bảo hiểm của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Aviva Việt Nam - nay là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MVI (MVI Life) năm chị 30 tuổi. Gói này có thời hạn hợp đồng bảo hiểm là 99 năm trừ đi tuổi của người được bảo hiểm ngày hiệu lực sản phẩm, tức 69 năm. Trong khi đó, thời hạn đóng phí bảo hiểm là 15 năm.

Mọi hợp đồng bảo hiểm đều có giá trị hoàn lại?

Giá trị hoàn lại (giá trị giải ước) là số tiền bên mua bảo hiểm sẽ nhận được khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc trước khi sự kiện được bảo hiểm xảy ra.

Tuy nhiên, cần lưu ý điều này chỉ áp dụng cho những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại và không phải tất cả sản phẩm đều có khoản đó.

Giá trị hoàn lại chỉ được chi trả vào cuối năm thứ 2 của hợp đồng, với điều kiện người tham gia đóng phí đầy đủ và hợp đồng bảo hiểm còn duy trì hiệu lực. Các hợp đồng có thời gian đóng phí dưới 2 năm sẽ không có giá trị hoàn lại (điều này áp dụng cho hầu hết sản phẩm bảo hiểm nhân thọ).

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là cam kết dài hạn, với thời gian bảo vệ người tham gia 5 năm, 10 năm, 15 năm hoặc trọn đời. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định kể từ năm thứ 10 trở đi, giá trị hoàn lại mới tương đương với số phí người tham gia đã đóng. Nếu hủy hợp đồng trước thời điểm này, khách hàng có thể không nhận được giá trị hoàn lại như kỳ vọng.

Ví dụ, trong năm đầu tiên, khách hàng đóng phí 30 triệu, công ty bảo hiểm sẽ trừ đi phí ban đầu và các loại phí khác (chiếm khoảng 30-55% trong 2 năm đầu tiên, thấp dần trong các năm về sau) và phí bảo hiểm rủi ro (tăng dần theo các năm). Theo đó, công ty bảo hiểm chỉ tính lãi trên giá trị tài khoản còn lại là chưa đến 10 triệu trong năm đầu.

2 mốc thời gian cần lưu ý trên hợp đồng bảo hiểm

Có 2 mốc thời gian để khách hàng lưu ý trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm:

- Mốc 1: 21 ngày cân nhắc quyền dùng thử cho khách hàng mới. Thời gian cân nhắc của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 21 ngày kể từ ngày khách hàng nhận bộ hợp đồng. Đây được xem là quyền lợi dùng thử bảo hiểm.

Trong thời gian này, khách hàng có quyền cân nhắc, thay đổi, điều chỉnh một số thông tin, thậm chí từ chối tiếp tục tham gia. Nếu khách hàng đổi ý không tiếp tục tham gia, công ty bảo hiểm sẽ hoàn lại tổng phí đã đóng, không có lãi, sau khi trừ đi một số chi phí xét nghiệm, y khoa (nếu có). Sang ngày thứ 22, yêu cầu hủy hợp đồng và nhận lại phí bảo hiểm sẽ không thực hiện được.

Vì vậy, người mua nên tận dụng khoảng thời gian cân nhắc để xem lại các thông tin đã cung cấp cho đơn vị bảo hiểm; tìm đọc quy tắc, điều khoản cũng như các tài liệu khác trong bộ hợp đồng.

Nếu phát hiện sai sót hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, người mua nên liên hệ ngay với tư vấn viên hoặc công ty bảo hiểm để được hỗ trợ, giải đáp.

- Mốc 2: Khách hàng chỉ nhận được quyền lợi sau thời gian chờ. Khách hàng cần lưu ý rằng không phải mọi quyền lợi bảo hiểm đều có hiệu lực ngay tại thời điểm hợp đồng phát hành.

Thời gian chờ là khoảng thời gian tính từ lúc hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực cho đến khi người mua được quyền nhận quyền lợi nếu phát sinh sự kiện bảo hiểm. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian chờ, quyền lợi bảo hiểm sẽ không được chi trả.

Không phải mọi sản phẩm bảo hiểm đều quy định thời gian chờ, chúng xuất hiện chủ yếu ở các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, thai sản.

Thông thường, thời gian chờ của các quyền lợi này được quy định: nằm viện là 30 ngày, bệnh hiểm nghèo là 90 ngày, thai sản là 270 ngày... Riêng với bảo hiểm tai nạn, thời gian chờ không áp dụng. 

Chẳng hạn, khách hàng A mua một gói bảo hiểm vào ngày 1/3/2023. Ngày 20/3, khách hàng A bị viêm gan cấp và phải nhập viện một tuần. Chi phí điều trị là 8 triệu đồng - đủ điều kiện trên hợp đồng để công ty bảo hiểm chi trả. Dù vậy, khách hàng A cũng sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường chi phí này. Lý do là quyền lợi nằm viện của khách hàng đang trong thời gian chờ là 30 ngày, tính ra, khách hàng A mới tham gia bảo hiểm 19 ngày. 

Do đó, lời khuyên cho khách hàng là hãy đọc kỹ hợp đồng khi tham gia bảo hiểm, có thắc mắc thì ngay lập tức yêu cầu công ty bảo hiểm, tư vấn viên giải đáp thỏa đáng. Nếu thấy hiểu và thỏa đáng thì đặt bút ký hợp đồng. Còn ngược lại, khách hàng có 21 ngày để "dùng thử" và đi tới quyết định cuối cùng. 

Ngược lại, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao trình độ tư vấn viên, xử lý nghiêm các tư vấn viên tư vấn lập lờ, thiếu trình độ, chỉ để ký được hợp đồng bảo hiểm với khách. Cơ quan quản lý về bảo hiểm cũng cần giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia.