Thịt đỏ là tên gọi chung của các dạng thịt bò, thịt heo, thịt dê…. Đây đều là những loại thịt rất giàu protein, kẽm, sắt và vitamin B12…. Rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, vì sao chúng ta lại không nên ăn quá nhiều lượng thịt đỏ mỗi ngày?

Những loại thịt phổ biến hiện nay

Thịt là loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn mỗi ngày, tuy nhiên theo thời gian chất lượng của các loại thịt cũng dần thay đổi, không còn giống như trước đây. Nếu ngày xưa, động vật được chăn thả tự do, thức ăn của chúng hầu hết đều là cỏ tự nhiên, côn trùng... Thì hiện tại, động vật thường được nuôi ở những trang trại cung cấp thịt. Thức ăn của chúng hầu hết đều là cám công nghiệp, những loại đồ ăn dư của con người hoặc thậm chí là những loại hormone tăng trưởng. Nên chất lượng thịt và giá trị dinh dưỡng của thịt đã bị biển đổi khá nhiều.

Thịt sau khi được giết mổ thì một số còn được chế biến thêm bằng cách hun khói, xử lý nitrat, bảo quản bằng hoá chất…. chúng ta có thể phân loại thịt thành các dạng như sau:

Thịt đỏ thông thường: là những loại thịt có màu đỏ, như: bò, lợn, cừu… được giết mổ tự nhiên chưa qua chế biến.

Thịt chế biến: là những loại thực phẩm được chế biến từ thịt như thịt xông khói, xúc xích…

Thit trắng: là những loại thịt có màu trắng sau khi được nấu chín, thường là những loại thịt gia cầm.

Thịt hữu cơ: là thịt của những loài động vật được cho ăn thức ăn từ tự nhiên, theo phương pháp hữu cơ, không cho thêm thuốc hoặc hormone.

Khi xét đến những yếu tố tác động không tốt đối với sức khoẻ của thịt đỏ, thì việc đầu tiên là cần xác minh nguồn gốc của loại thịt đỏ đó. Những nghiên cứu về thịt đỏ ở Mỹ, hầu hết những mẫu vật đều lấy từ vật nuôi trong nhà máy, với nguồn thức ăn chính là ngũ cốc.

Dinh dưỡng từ thịt đỏ.

Thịt đỏ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất chống oxi hoá… cùng nhiều dưỡng chất khác. Cụ thể, trong 100g thịt bò sống có:

  • - Sắt: 12% RDA (đây là sắt heme chất lượng cao, được hấp thụ tốt hơn nhiều so với sắt từ thực vật) Vitamin B3 (niacin): 25% RDA
  • - Vitamin B12 (cobalamin): 37% RDA (vitamin này không thể có được từ thực phẩm thực vật)
  • - Vitamin B6 (pyridoxine): 18% RDA
  • - Kẽm: 32% RDA
  • - Selenium: 24% RDA
  • - Một hàm lượng nhỏ các loại vitamin và khoáng chất khác
  • - Cung cấp 176 calo, với 20 gam protein động vật chất lượng và 10 gam chất béo.

Thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt heme tốt. Sắt heme chỉ có trong thịt, gia cầm và hải sản. Sắt heme được cơ thể hấp thu dễ hơn, tốt cho những đối tượng có nguy cơ thiếu sắt bao gồm: trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có kinh nguyệt nhiều…

Những tác hại khi ăn quá nhiều thịt đỏ

Dù là nguồn thực phẩm có lợi, nhưng nếu ăn quá nhiều thịt đỏ thì lại không tốt và có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khoẻ.

Theo TS. Tuấn Thị Mai Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia mức tiêu thụ cân đối và hợp lý các loại thực phẩm nói chung và đặc biệt là thịt đỏ nói riêng là chìa khóa để duy trì và nâng cao sức khỏe. Ăn quá nhiều thịt đỏ là yếu tố nguy cơ của một số bệnh như mỡ máu cao, tim mạch, ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng. Đây là kết luận của Quỹ phòng chống ung thư quốc tế dựa trên việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu về tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn trên các nước và các dân tộc khác nhau.

1/ Nguy cơ về các bệnh tim mạch

Các loại thịt đỏ nói chung đều có nhiều chất béo bão hoà hơn những nguồn protein khác như hải sản, thit gà, hay các loại đậu. Các nghiên cứu đều đã dẫn ra mối liên kết giữa việc tiêu thụ lượng thịt đỏ cao, và bệnh tim đều do lượng chất béo bão hoà có trong thịt đỏ.

Chuyên gia dinh dưỡng Sydney Greene của Eat This cho biết: "Hầu hết thịt đỏ chứa một lượng lớn chất béo bão hòa. Ví dụ, một miếng bít tết ribeye 85g chứa khoảng 8g chất béo bão hòa, chiếm khoảng 40% lượng chất béo bão hòa được đề xuất hàng ngày. Lượng chất béo bão hòa làm tăng lượng LDL cholesterol trong cơ thể, có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim".

Do vậy, theo các chuyên gia khuyến cáo đối với những người có nguy cơ, hay đang mắc những loại bệch lý về tim mạch thì nên hạn chế lượng thịt đỏ, và nếu ăn thì chỉ nên chọn phần thịt nạc, và những loại thịt hữu cơ.

2/ Thịt đỏ có làm tăng nguy cơ ung thư?

Ung thư đại tràng là loại phổ biến thứ 4 trên thế giới hiện nay – và nhiều nghiên cứu quan sát được rằng, việc tiêu thụ thịt đỏ với hàm lượng cao có liên quan mật thiết đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, tuyến tuỵ cũng cao hơn đối với những người ăn nhiều thịt đỏ. Và những người ăn nhiều các loại thịt được chế biến sẵn cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Vì những phương pháp xử lý và chế biến thịt như hun khói, các hoá chất bảo quản … cũng có thể làm gia tăng nguy cơ gây ung thư.

Theo cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Đây là căn bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, người thừa cân, béo phì, ăn nhiều thịt đỏ, thịt qua bảo quản chế biến…

Ăn thịt đỏ như thế nào thì an toàn?

Theo TS. Tuấn Thị Mai Phương, mặc dù mức độ tiêu thụ thịt đỏ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thói quen văn hóa ẩm thực, khu vực, tính sẵn có của thực phẩm theo vị trí địa lý tự nhiên, chính sách phát triển nông nghiệp và chăn nuôi của mỗi quốc gia. Nhưng để đảm bảo tất cả mọi người dân có sức khỏe tốt, thì cần có kiến thức và thực hành tiêu thụ thịt đỏ ở mức hợp lý.

Tiến sĩ Frank Hu, chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng, Trường Đại học Harvard khuyên bạn hãy dừng coi thịt đỏ là nguồn thực phẩm chính mà thay vào đó hãy chỉ sử dụng khoảng 2 - 3 khẩu phần ăn mỗi tuần, nhất là khi chúng được nấu ở nhiệt độ cao. Lý do là bởi khi nấu ở nhiệt độ cao thịt có thể tạo ra các hợp chất có hại bao gồm các amin dị vòng (HA), hydrocacbon thơm đa vòng (PAH) và các sản phẩm cuối glycation nâng cao (AGEs). Đây là các chất có thể gây ung thư cho động vật.

Tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350- 500g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương). Nếu tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.

Nên sử dụng thịt nạc, tăng cường cá, trứng, sữa, các loại đậu, thịt trắng.. là những loại có hàm lượng dinh dưỡng tương đương có thể thay thế thịt đỏ trong bữa ăn, để vừa đảm bảo chất dinh dưỡng cần thiết, vừa bảo vệ sức khoẻ.