“Những hình phạt về mặt thể xác khiến việc phát biểu trong lớp học tại Việt Nam không được khuyến khích. Học sinh bị bắt phải ngồi yên tại chỗ và chỉ phát biểu khi được cho phép. Điều này […] khiến các em khó mà phát biểu tự do trong lớp. Vì vậy, đừng nhầm lẫn giữa nhút nhát và thờ ơ trong việc học”.
Đây là trích đoạn trong ấn bản “American Education” của Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ, xuất bản vào năm 1976, hướng dẫn giáo viên người Mỹ cách giảng dạy trẻ em người gốc Việt.
Theo tôi, trích đoạn trên có một số vấn đề như sau:
Việc phát biểu trong lớp học tại Việt Nam luôn được khuyến khích. Tuy nhiên, điều hạn chế không phải là đòn roi mà bởi một số yếu tố văn hóa như: tính cộng đồng (khiến các cá nhân không muốn nêu quan điểm riêng trước nhóm đông), tôn sư trọng đạo (nên học sinh sẽ giơ tay trước khi phát biểu và chỉ phát biểu sau khi giáo viên đã trình bày xong).
Việc ngồi yên trong lớp hoặc không phát biểu tự do không có nghĩa là học sinh Việt Nam nhút nhát. Tác giả của đoạn trích trên đã áp đặt cách suy nghĩ của văn hóa Mỹ (ưu tiên việc tự do biểu đạt và thể hiện) lên học sinh Việt Nam (ưu tiên sự tôn trọng với giáo viên và cộng đồng), ít nhất là tại thời điểm đó.
Ví dụ trên là minh chứng cho tầm quan trọng của việc hiểu biết về khác biệt văn hóa trong cuộc sống. Vậy những hiểu biết đó mang lại những lợi ích nào cho chúng ta?
Hỗ trợ quá trình giao tiếp
Nếu bạn đang sinh sống tại nước ngoài, việc tìm hiểu văn hóa nước sở tại là điều đương nhiên. Tuy nhiên, người Việt Nam sống tại Việt Nam cũng cần hiểu biết về khác biệt văn hóa.
Việt Nam đang hội nhập rất nhanh với thế giới, sẽ càng có nhiều người từ nhiều quốc gia khác đến du lịch hoặc sinh sống. Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của công nghệ, hàng ngày chúng ta đang giao tiếp với người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên mạng xã hội. Do vậy, việc hiểu biết về văn hóa của nước họ sẽ giúp đỡ rất nhiều trong quá trình giao tiếp.