Giới chức Ukraine khẳng định vụ vỡ đập Nova Kakhovka dù đã gây lũ lụt lớn ở tỉnh Kherson nhưng sẽ không cản trở cuộc phản công của Kiev. Nhưng thực tế có như vậy?
Ngày 7-6, Hãng tin Tass (Nga) đưa tin khoảng 2.700 ngôi nhà tại 15 khu định cư của tỉnh Kherson, phía nam Ukraine, đã bị ngập lụt sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka của Nhà máy thủy điện Kakhovka. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ vỡ đập.
Ảnh hưởng cả Ukraine và Nga
Hậu quả của vụ vỡ đập thủy điện đang gây nhiều chú ý. Ngoài những ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, môi trường hay Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia gần đó, giới quan sát cũng đặc biệt quan tâm tới tác động của vụ vỡ đập với cuộc phản công mới của Kiev và cục diện chiến sự ở Ukraine.
Hiện tại các quan chức Ukraine vẫn tự tin cuộc phản công của họ sẽ không bị ảnh hưởng. Ông Ihor Zhovkva, phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine, tuyên bố: "Vụ vỡ đập sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự và chúng tôi vẫn sẽ phản công".
Trong khi đó, Trung tâm Truyền thông chiến lược của các lực lượng vũ trang Ukraine (Stratcom) nhấn mạnh Ukraine "được trang bị tất cả các phương tiện đường thủy và cầu phao cần thiết để vượt qua những chướng ngại vật dưới nước".
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra vụ vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka trên sông Dnieper có thể làm phức tạp bước tiến của Kiev trong bất cứ cuộc tấn công nào, dù họ chưa tiết lộ kế hoạch phản công theo hướng nào, theo Hãng tin Reuters.
Giới quan chức quân sự và các nhà phân tích cho rằng vụ vỡ đập xả ra lượng nước lũ lớn trên khắp khu vực miền nam Ukraine có thể hạn chế các phương án của Kiev trong cuộc phản công được cho là vừa mới bắt đầu, theo báo Financial Times.
Ông Maciej Matysiak, chuyên gia an ninh tại Tổ chức Stratpoints, cho rằng nước lũ tràn vào khu vực sẽ ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạng nặng như xe tăng trong ít nhất một tháng. "Điều này tạo ra vị trí phòng thủ rất tốt cho Nga, khi họ đang chờ đợi cuộc phản công của Ukraine", ông nói thêm.
Vụ vỡ đập cũng có thể ảnh hưởng tới quân Nga. Người phát ngôn Bộ Tư lệnh tác chiến miền nam của quân đội Ukraine, bà Natalia Humeniuk, cho rằng vụ vỡ đập sẽ buộc quân Nga ở gần sông Dnieper phải rút lui và điều này có thể làm giảm cường độ pháo kích của họ vào các vùng lãnh thổ mà Ukraine kiểm soát.
"Việc phá hủy con đập làm ngập lụt tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga ở phía đông sông Dnieper tại Kherson. Thảm họa này không mang lại lợi ích gì cho bất kỳ ai và sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các lãnh thổ bị Nga kiểm soát", nhà phân tích quân sự Michael Kofman tại Trung tâm Phân tích hải quân (Mỹ) giải thích.
Điều chỉnh kế hoạch phản công
Đến nay chưa rõ ai đã gây ra vụ vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka. Ukraine cáo buộc Nga đã cho nổ tung con đập, trong khi Matxcơva cho rằng các cuộc pháo kích của Kiev mới là nguyên nhân. Cơ quan tình báo của các đồng minh Ukraine, trong đó có Mỹ, vẫn đang điều tra việc ai đứng sau vụ vỡ đập.
Theo một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga được Hãng tin Bloomberg dẫn lại, giới chức Nga ước tính Ukraine đã chuẩn bị tới 20 lữ đoàn quân đội và vệ binh quốc gia mới cho cuộc phản công, nâng tổng số quân lên khoảng 700.000 đến 1 triệu.
Matxcơva tin rằng Kiev có thời hạn cho đến tháng 10 để thực hiện cuộc phản công thành công, và cuộc tấn công mạnh có khả năng kéo dài từ vùng Zaporizhzhia (đông nam Ukraine) về phía nam và cuối cùng là bán đảo Crimea. Trong đó, các cuộc tấn công nhỏ hơn qua sông Dnieper sẽ hỗ trợ quá trình này.
Một quan chức cấp cao trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đưa ra đánh giá tương tự về việc Nga lo ngại Ukraine sử dụng sông Dnieper làm mặt trận phụ.
Giờ đây với việc con đập Nova Kakhovka bị vỡ, một quan chức quân sự Ukraine giấu tên tiết lộ các quan chức nước này đang đánh giá thiệt hại do lũ lụt gây ra và sẽ điều chỉnh kế hoạch phản công cho phù hợp, theo báo Financial Times.
"Nếu chúng tôi có bất cứ kế hoạch nào cho một chiến dịch đổ bộ ở đó, chúng tôi chắc chắn sẽ không thực hiện sớm. Ngay sau lũ lụt, về cơ bản, vùng đất xung quanh sẽ là một đầm lầy", quan chức này nói.
Ukraine bắt đầu phản công chưa?
"Rốt cuộc thì cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu chưa?" - đó là câu hỏi mà báo Politico (Mỹ) đến ngày 7-6 vẫn đặt ra trong lúc Ukraine tiết lộ ít thông tin về thời điểm phản công.
Bộ Quốc phòng Anh nhận thấy các hoạt động chiến đấu đã gia tăng dọc theo tiền tuyến ở Ukraine, gồm cả những khu vực tương đối yên tĩnh trong vài tháng qua. Còn theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), các quan chức Nga và Ukraine đều đang phát tín hiệu cho thấy cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine đã bắt đầu.
Theo Tuổi trẻ