Chiến dịch tìm kiếm tàu lặn mất tích ở bắc Đại Tây Dương đang chạy đua với thời gian, vượt qua các thách thức của biển cả.
Chiến dịch tìm kiếm tàu lặn mất tích này ở phương diện khác, nó cũng khơi lên những ý kiến khác nhau về loại hình du lịch tiền tỉ đầy mạo hiểm.
Chiều 21-6 (giờ Việt Nam), sau ba ngày mất tích, lực lượng cứu hộ xác nhận đã nghe thấy tiếng động theo nhịp với tần suất 30 phút một lần tại khu vực tìm kiếm. Dù đã phát hiện tín hiệu có thể từ con tàu nhưng lúc này nỗi lo cho những người trên đó lớn hơn nữa khi lượng oxy trong tàu được xác định chỉ còn đủ 40 giờ.
Vẫn còn hy vọng cứu người trên tàu lặn Titan
"Máy bay P-3 của Canada đã phát hiện tiếng động dưới nước trong khu vực tìm kiếm. Do đó các phương tiện điều khiển từ xa (ROV) đã được điều chỉnh để tìm nguồn gốc tiếng động", lực lượng tuần duyên Mỹ xác nhận. Đài CNN dẫn thông tin nội bộ Chính phủ Mỹ cho biết tiếng động vang lên từ dưới mặt nước đều đặn mỗi 30 phút. Bốn giờ sau đó, khi nhiều phao định vị âm thanh được triển khai, tiếng vọng vẫn chưa dứt, cho thấy "vẫn còn hy vọng về sự sống".
Chiếc tàu lặn Titan mất tích ngày 18-6 khi đang lặn xuống xem xác tàu Titanic. Trên tàu có một lái tàu, chuyên gia người Pháp Paul-Henri Nargeolet và ba khách du lịch gồm tỉ phú Anh Hamish Harding, cha con tài phiệt người Pakistan là Shahzada Dawood và Suleman Dawood. Đến nay đã có một số giả thuyết tàu gặp sự cố về điện hoặc xấu hơn là mắc kẹt dưới đáy biển hay phát nổ.
Các "tín hiệu sự sống" tiếp thêm hy vọng cho chiến dịch cứu hộ gian nan. Lúc này tàu, máy bay, thiết bị cứu hộ từ Mỹ, Canada, Pháp và nhiều hỗ trợ khác đang đổ về từ khắp nơi. Mọi phương tiện giải cứu đã sẵn sàng cho việc trục vớt, vốn cũng sẽ khó khăn không kém, khi đã xác định được vị trí tàu lặn. Các robot lặn biển, thiết bị và chuyên gia cũng có mặt vào ngày 21-6. Trước đó, lực lượng cứu hộ như "mò kim đáy biển" trên một vùng biển rộng hơn 20km2 và sâu gần 4km.
Theo giới chuyên gia, việc tìm kiếm con tàu nhỏ bằng chiếc xe hơi trên Đại Tây Dương không phải là điều dễ dàng và kịch bản nào cũng đầy thách thức. Nếu tàu có thể nổi lên mặt nước, người bên trong cũng không thể thoát ra vì nắp đã bị khóa từ bên ngoài. Còn nếu tàu chìm dưới đáy biển tối tăm, đầy bùn và lồi lõm, áp suất cực lớn thì hy vọng giải cứu là rất thấp.
Việc chuyển sang du lịch biển sâu có thể gây ra những rủi ro mới. Các công ty du lịch sẽ chịu nhiều áp lực thương mại hơn phải gấp rút chuẩn bị lặn, thử nghiệm các thiết kế mới để đảm bảo đáp ứng các thông số kỹ thuật thiết kế và yêu cầu về hiệu suất.
Du lịch tiền tỉ
Điều được quan tâm không kém là việc các hành khách tỉ phú, tài phiệt và chuyên gia trên tàu đã sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn cũng như mạo hiểm tính mạng để tham gia chuyến đi. Theo Công ty Ocean Gate tổ chức chương trình, mỗi khách phải trả đến 250.000 USD cho chuyến tham quan xác tàu Titanic.
Trên tàu, chuyên gia Nargeolet được coi là "huyền thoại" trong lĩnh vực lặn biển và đã lặn xuống xác tàu Titanic hơn 100 lần. Trong khi đó, tỉ phú Harding cũng là một người đam mê thám hiểm. Ông hiện đang giữ ba kỷ lục Guinness, trong đó có hạng mục lặn lâu nhất và sâu nhất bằng tàu có người lái vào năm 2021. Vào tháng 6-2022, ông cũng đã đi trên chuyến bay vào vũ trụ thứ năm của con người do Công ty hàng không vũ trụ Blue Origin thực hiện. Một vé của chuyến đi này từng được đấu giá đến 28 triệu USD.
Dù thu số tiền lớn như đã nêu nhưng Ocean Gate cho biết tàu Titan chưa từng được kiểm định bởi các tổ chức uy tín vì các công nghệ trên tàu quá "tân tiến" nên quá trình có thể kéo dài.
Từ năm 2018, hàng loạt chuyên gia cảnh báo về độ an toàn của tàu lặn này, bao gồm việc bộ phận tàu cho phép hành khách nhìn ra bên ngoài chỉ đạt tiêu chuẩn hoạt động ở độ sâu 1.300m, trong khi xác tàu Titanic nằm ở độ sâu gần 4km. Một phóng viên từng tham gia chuyến đi vào năm ngoái kể lại hành khách phải ký vào xác nhận có thể bị chấn thương hoặc thậm chí thiệt mạng trong chuyến đi.
Các chuyến đi xuống đáy đại dương luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn. Giáo sư Stefan Williams, giám đốc sáng kiến khoa học kỹ thuật số của ĐH Sydney (Úc), nói về sự cố chiếc tàu lặn mất tích.
Theo ông Williams, các thiết bị lặn xuống đáy biển ban đầu chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học. Mặc dù đã có những tiến bộ trong hệ thống thông tin liên lạc, công cụ điều hướng, thiết kế kỹ thuật và vật liệu mới, việc hoạt động ở độ sâu trên 4.000m vẫn là một thách thức.
Theo Tuổi Trẻ