Gout là một trong những bệnh lý về xương khớp, có tỉ lệ mắc ngày càng cao và trẻ hoá. Biểu hiện của bệnh là trạng thái sưng, nóng, đỏ tại các khớp trên cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và cuộc sống của bệnh nhân. Đây còn là loại bệnh mạn tính rất khó để chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể dựa vào việc tuân thủ nghiêm ngặt, cùng chế độ ăn uống phù hợp để giúp kiểm soát bệnh.
Việc sử dụng thực phẩm không đúng, có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, gây ra những cơn đau cấp tính. Nếu nghiêm trọng có thể gây cản trở, khó khăn trong việc điều trị khiến bệnh chuyển biến nặng và để lại di chứng nặng nề. Sau đây là những gợi ý về một chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp hạn chế những cơn đau khó chịu do gout gây ra đối với người bệnh.
1/ Thịt trắng
Đa số chúng ta đều cho rằng, trong thịt có chứa purin không tốt cho người bị gout. Tuy nhiên, việc kiêng thịt hoàn toàn có thể khiến cho cơ thể bị thiếu đạm. Do vậy, người bị gout có thể sử dụng một số loại thịt không chứa nhiều nhân purin như: ức gà, thịt nạc, cá nước ngọt (cá trám, cá chép, cá rô)…đều là những loại đạm tốt cho người bị gout, vì có tác dụng chống lại sự kết tủa của axit uric.
Tuy nhiên, khi ăn thịt thì người bệnh cần phải tuân theo nguyên tắc sau:
- Thịt bắt buộc phải được nấu chín, không ăn thịt tái sống.
- Chế biến theo dạng luộc, hấp, hạn chế các loại thịt chiên.
- Không nên ăn phần nước như nước luộc thịt, cá, nước hầm xương.
- Ăn cùng nhiều loại rau xanh để giúp trung hoà bớt lượng purin có trong thịt.
- Chỉ chọn những loại thịt có chứa ít axit uric.
- Người bệnh không được ăn quá 100g chất đạm/ ngày, bao gồm cả đạm từ thịt, sữa, và các loại đậu, hạt. Cách quy đổi mang tính tham khảo như sau: 100g thịt = 180g đậu phụ = 70g lạc hạt = 100g cá = 100g tôm.
2/ Trái cây
Hầu hết tất cả trái cây đều tốt cho người bị bệnh gout, nhất là những loại trái giàu vitamin C như cam, chanh, dâu tây, nho, ổi, kiwi… vì vitamin C hỗ trợ rất tốt trong quá trình giảm nồng độ axit uric trong máu, chống oxi hoá, chống viêm, tăng cường sức đề kháng và sức bền cho các thành mạch.
Những loại trái cây giàu kali như: bưởi, cam, bơ, chuối, dưa hấu, và lựu cũng rất tốt cho sức khoẻ của người bị bệnh gout. Vì kali đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp cân bằng điện giải, giảm huyết áp và tăng sức khoẻ cho xương. Đồng thời, kali cũng giúp hỗ trợ đào thải axit uric qua đường tiết niệu, giúp giảm những triệu chúng của bệnh.
3/ Rau củ
Cũng như trái cây, rau củ đặc biệt tốt cho người bị bệnh gout. Nên bổ sung thêm nhiều rau xanh, những loại củ có ít purin trong bữa ăn hằng ngày, như: rau ngót, khoai tây, cà tím, rau cần, dưa leo, cải xanh, súp lơ, bắp cải… Hạn chế những loại rau như: giá, măng tây và nhất là các loại nấm.
4/ Các loại dầu thực vật
Việc bổ sung chất béo cho cơ thể mỗi ngày là điều cần thiết. Nhưng đối với những người bị bệnh gout thì nếu sử dụng quá mức có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Người bị gout có thể sử dụng dầu oliu, đầu vừng, dầu lạc… là những loại cung cấp chất béo tốt cho người bị bệnh, hỗ trợ chống viêm khớp, giảm tình trạng sưng tấy và axit uric… Tuy nhiên, chỉ nên dùng trong một số món như salad, rau trộn… tránh chiên nấu dầu ở nhiệt độ cao. Tránh sử dụng mỡ động vật, dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương..
5/ Trứng
Trong các loại trứng, thì trứng gà là loại được ưu tiên và khuyên dùng cho người bị gout, vì trứng gà có lượng purin thấp hơn những loại trứng khác, nhưng lại giàu dưỡng chất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên ăn trứng luộc, trứng hấp…để tốt cho quá trình kiểm soát bệnh.
6/ Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là loại thực phẩm chứa nhiều các chất oxi hoá, có tác dụng trong việc chống viêm và giảm đau xương khớp. Nhiều loại ngũ cốc và tinh bột có lượng purin ở mức an toàn, giúp vừa làm giảm vừa hoà tan axit uric vào nước tiểu, để thải ra ngoài cơ hể thông qua đường tiết niệu.
Và nhất là, những loại ngũ cốc nguyên hạt thường có lượng calo thấp, rất thích hợp sử dụng cho người bị gout, để tránh tình trạng tăng axit uric trong máu.
7/ Cà phê
Trong cà phê có chứa nhiều hợp chất bao gồm: cafein, polyphenot và khoáng chất. Do vậy, có thể làm giảm nồng độ axit uric thông qua một số cơ chế, hoặc hỗ trợ gia tăng tốc độ bài tiết axit uric của cơ thể.
Cà phê còn cạnh tranh với enzym phân hủy purin trong cơ thể, làm giảm tốc độ tạo ra axit uric. Việc sử dụng một lượng cà phê đen vừa đủ trong ngày rất tốt cho người bệnh gout.
8/ Sữa và những sản phẩm từ sữa
Sữa là thực phẩm có ít hàm lượng purin nên người bệnh gout có thể yên tâm sử dụng. Ngoài ra, trong sữa còn có một số protein có khả năng ức chế, kháng viêm, chống lại những cơn đau do gout gây ra, và hỗ trợ cơ thể đào thải axit uric tốt hơn.
Người bị gout nên chọn sử dụng sữa động vật, và những chê phẩm từ sữa như: phô mai, sữa chua… nhất là những loại sữa tách béo, ít đường, hoặc không đường. Cần hạn chế những loại sữa giàu năng lượng, nhiều đường như sữa đặc.
Đặc biệt, người bị bệnh gout nếu uống sữa đậu nành thường xuyên sẽ khiến tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn. Do trong sữa đậu nành có chứa nhiều purin, có khả năng chuyển hoá và làm gia tăng lượng axit uric trong máu, khiến các tinh thể muối urat lắng đọng vào các khớp xương, gây ra tình trạng đau nhức.
9/ Trà xanh
Trà xanh là một loại thức uống tuyệt vời dành cho người bị bệnh gout, nhờ có nồng độ cao các chất chống oxi hoá nên trà xanh sẽ giúp giảm các triệu chứng đau nhức cho người bệnh rất tốt.
Sử dụng nước trà xanh tươi với liều lượng vừa phải mỗi ngày, sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành nước tiểu, đồng thời đẩy nhanh quá trình đào thải axit uric cho cơ thể.
10/ Cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể
Thông thường mỗi người cần khoảng từ 1,5 – 2 lít/ngày, nhưng người bị bệnh gout thì cần uống nhiều nước hơn, khoảng từ 2 – 2,5 lít/ ngày. Những loại nươc khoáng kiềm, không gas sẽ giúp nhanh chóng thải axit uric ra khỏi cơ thể thông qua đường tiểu. Ngoài nước lọc thì, những loại nước ép trái cây hầu hết đều tốt cho người bị gout, lưu ý hạn chế đường khi sử dụng.
Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, do vậy nên duy trì một lối sống lành mạnh, ăn nhiều trái cây, rau xanh, hạn chế các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, thực phẩm có chứa nhiều đường, nước uống có ga… và nhất là đồ uống có cồn để luôn duy trì được một thể trạng tốt cho cơ thể. Hạn chế và ngăn ngừa tình trạnh trẻ hoá đối với căn bệnh gout, không chỉ tốt cho bản thân mỗi người, mà còn giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.