Trong những ngày nắng nóng oi ả, nếu có ngay một ly thạch sương sáo, hay thạch găng mát lạnh, cùng chút nước dừa thơm béo thì còn gì bằng. Thạch là món ăn rất được ưa chuộng ở nước ta, từ thời ông bà ngày xưa. Nhưng trong chúng ta, có bao nhiêu người thật sự hiểu về nguồn gốc của hai loại thạch này? Chúng được làm ra như thế nào?
Thạch Sương Sáo
1/ Nguồn gốc
Thạch sương sáo hay còn có tên gọi khác là thạch đen, được tạo ra từ loại cây cùng tên, được trồng nhiều trên khắp Việt Nam. Trong đó, phải kể đến những nơi như Tràng Định (Lạng Sơn), Thạch An (Cao Bằng), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang), Bình Minh (Vĩnh Long)… Theo kinh nghiệm, và một số kết quả nghiên cứu cho thấy cây thạch đen trồng ở Tràng Định có chất lượng tốt hơn so với những vùng khác.
Thạch đen còn có tên khoa học là Mesona Chinensis Benth. Đây là một loại cây thân thảo, cao từ 40-60cm, thân 4 cạnh, phân thành nhiều nhánh, toả đều trên mặt đất. Thông thường, thạch đen có thể được thu hoạch sau khoảng 4 tháng chăm sóc, khi cây bắt đầu có hoa ở ngọn. Khi thu hoạch, người dân thường cắt sát gốc cây, bó chúng lại với nhau thành từng bó rồi phơi khô.
2/ Cách nấu thạch
Thạch đen được nấu khá đơn giản, chỉ cần đem lá thạch đen, nấu cùng với nước trong khoảng 3,4 tiếng cho nhừ hẳn, sau đó đem vò, lọc lại lấy nước trong rồi đun sôi. Khi nấu thạch đen cần cho thêm một ít đường để tạo độ ngọt nhẹ cho món ăn. Sau đó tiếp tục nấu trên lửa nhỏ, từ từ cho thêm bột năng vào khuấy đều.
Nếu muốn thạch giòn hơn thì có thể cho thêm một ít nước tro (tro rơm rạ), để giúp thạch giòn và nhanh đông hơn. Sau khoảng 30, 45 phút khuấy đều tay, thì nhắc thạch ra khỏi bếp và đổ vào khuôn, để nguội rồi đem ủ lạnh.
Trong quá trình chế biến món thạch này, không cần phải cho thêm bất kỳ màu thực phẩm, hay chất phụ gia nào. Do vậy, đây là món ăn hoàn toàn tự nhiên và tốt cho sức khoẻ. Thạch khi nấu xong nhìn đen bóng bắt mắt, mềm, giòn, ăn vào có vị thơm nhẹ và thanh mát. Thạch có thể dùng riêng cùng nước đường, thêm chút cốt dừa tạo độ béo. Hoặc cũng có thể sử dụng chung với những thức uống khác như trà sữa, sữa tươi, sữa đậu… rất hợp vị.
Thạch Găng
1/ Nguồn gốc
Găng là một loài cây thân gỗ, thường gặp nhiều ở các vùng trung du phía Bắc nước ta. Lá của cây Găng có hình hơi tròn, có một gai nhọn dài từ 1-3 cm mọc thành từng bụi và thân có nhiều gai nhỏ. Đây là loài cây mọc dại, phần lá khi chế biến thành thạch thì ăn rất mát, giúp giải nhiệt rất tốt cho cơ thể. Ngoài ra người dân miền núi còn thường sử dụng cây găng gai để điều trị sốt, cùng một số bệnh về đường tiêu hoá.
2/ Cách làm thạch găng
Bạn có thể làm thạch găng từ những chiếc lá tươi, lá khô hoặc bột lá găng. Cách làm cũng khá đơn giản, như sau:
Làm thạch từ lá tươi
Thạch găng đươc làm từ lá tươi có màu sắc rất đẹp, và dễ thực hiện. Sau khi rửa sạch lá, bạn dùng tay vò nhuyễn đến khi lá tiết ra nhựa, dùng rây hoặc vải màn để lọc sạch phần lá, giữ lại phần nước.
Chờ đến khi thạch đông lại là có thể sử dụng ngay cùng với một ít nước đường. Những miếng thạch mềm, sánh mịn khi ăn cùng với nước đường, thêm hương hoa nhài hoặc dầu chuối để tạo sự hấp dẫn, cùng chút cốt dừa béo ngậy, chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng.
Làm thạch bằng lá khô
Phần lá trước khi muốn làm thạch phải đem ngâm vào nước cho nở. Sau đó tương tự như lá tươi, bạn cũng đem vò rồi lọc lấy phần nước trong, chờ khi nước đặc lại là có thể sử dụng.
Làm thạch bằng bột
Ngoài hai cách làm truyền thống như trên thì ngày nay, lá găng còn được chế biến thành dạng bột để tiện bảo quản và sử dụng. Để làm thạch găng từ dạng bột, bạn chỉ cần cho một lượng vừa đủ bột vào túi lọc, sau đó rửa sơ với nước sôi để nguội.
Sau đó, cho túi lọc vào nước vôi trong rồi dùng tay bóp đều để bột tiết ra nhựa. Lọc lại nước găng cho sạch cặn trước khi cho vào tủ lạnh chờ đông lại và sử dụng.
Trong tự nhiên có rất nhiều món ngon, vật lạ, vừa giúp bảo vệ sức khoẻ lại tiết kiệm chi phí. Hy vọng, mỗi người trong chúng ta sẽ cùng chia sẻ cho nhau một vài bí kíp nhỏ, để giữ mãi thói quen ăn lành từ ngàn xưa.