Ăn chay sao cho khoẻ mạnh?
Tại sao cũng là ăn chay trường, mà có người thì khoẻ hơn, có người sức khoẻ lại tệ đi?
Như đã nói ở những bài trước, việc ăn uống dù mặn hay chay cũng cốt yếu tuỳ vào thể trạng của mỗi người mà lựa chọn khẩu phần ăn cho phù hợp, khéo phối hợp thực phẩm sao cho quân bình.
Thực phẩm chay đa phần là nhóm ngũ cốc, rau – củ – quả có thiên tính thanh mát, tư âm, nhuận tân dịch.
Nên sẽ phù hợp với nhóm người có thể chất dương thịnh, âm hư nội nhiệt, có những biểu hiện như: người gầy nóng, miệng khô khát, tâm phiền nhiệt, đại tiện táo, tiểu buốt gắt,…
Ngược lại, nhóm người có thể chất âm thịnh, dương hư có những biểu hiện như: sợ lạnh, tay chân lạnh, bụng lạnh, người hay suy nhược, đại tiện lỏng nát, tiểu trong dài,… cần phải biết cân đối khẩu phần ăn cho phù hợp.
Mọi người ăn chay mà sức khoẻ xấu đi đa phần là thuộc nhóm thứ hai, tức là bản chất cơ thể là âm thịnh dương suy hoặc là ăn uống một thời gian khiến cơ thể âm hoá, hàn hoá gây nên những triệu chứng thường thấy như: cơ thể ngày càng suy nhược, da dẻ nhợt nhạt, mặt trắng bệch, người yếu ớt, tay chân lạnh, bụng yếu,…
Vậy thì làm cách nào để cải thiện?
Có phải điều chỉnh khẩu phần ăn, bổ sung nhiều thực phẩm trợ dương, tập luyện tiếp nạp thêm Dương khí không?
Chính xác là vậy.
Sỡ dĩ Sư Thầy ăn chay khoẻ mạnh, sắc diện hồng hào, người tràng đầy năng lượng an lạc là bởi vì các sư ngày đêm tu tập, hành trì tụng kinh, niệm phật nên Tâm được an, khí được hoà, huyết được thuận.
Động tác lạy Phật giúp cho gân cốt dẻo dai, huyệt đạo được kích động và thông đạt từ đầu dọc theo xương sống cho tới tứ chi, máu huyết lưu thông, mồ hôi toát ra uế khí cũng ra theo, tinh thần được an lạc sảng khoái.
Ở đây tôi còn chưa nói đến vấn đề Thiền định.
Nói ra những điều này để mọi người có sự soi chiếu lại bản thân, vấn đề không chỉ nằm ở việc ăn uống, mà còn ở việc dưỡng tâm, điều tiết tinh thần, tập luyện nữa.
Nguồn dương khí lớn nhất ngoài tự nhiên là từ ánh nắng ban mai, mỗi sáng nhớ dành một ít thì giờ để tắm nắng, đi bộ chạy bộ, ngồi thiền dưới ánh nắng sẽ giúp cơ thể tiếp nạp dương khí một cách tự nhiên nhất.
Trong khẩu phần ăn, trợ dương căn bản nhất là chuyển từ gạo trắng sang gạo lứt. Hạt gạo lứt phủ lớp cám, chất rắn cứng, sắc đỏ, khí ấm nên là thứ gạo mang đặc tính Dương nhất trong các loại gạo. Khi ăn chú ý ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp kích thích kinh dương minh vị và đại trường, nhu động ruột, sự vận hoá thức ăn và chuyển hoá dinh dưỡng được tốt hơn. Ngoài ra, các loại hạt mùi gia vị đều mang tính Dương, khéo léo gia thêm vào trong chế biến sẽ giúp cân bằng âm-dương trong bữa ăn mọi người nhé.
Chúc mọi người khoẻ mạnh,
Nguồn: Trọng Hữu