Sau khi đưa ChatGPT vào dạy học, chuyên gia từ Singapore nhận thấy sinh viên Việt Nam tiến bộ đáng kể vào cuối học phần.
Sự "lên ngôi" của ChatGPT và nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy đã được các chuyên gia chia sẻ trong "Diễn đàn các trường đại học châu Á" lần thứ 12, do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 19-7.
Năm nay, diễn đàn có chủ đề "Cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục đại học khu vực châu Á" thu hút hơn 20 trường đại học hàng đầu từ 13 nước tham dự.
Giáo sư Dương Nguyên Vũ - giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý không lưu, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - chia sẻ thời gian gần đây, xu hướng chung của nhiều giáo sư ở các đại học Singapore là lồng ghép ứng dụng AI vào những bài giảng, bài tập cho sinh viên.
ầu năm 2023, giáo sư Vũ cũng cho các sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM trong lớp thỉnh giảng dùng ChatGPT để làm trợ lý học tập. Sinh viên được yêu cầu dùng ChatGPT khai thác thông tin phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Sinh viên còn sẽ phải thảo luận với ChatGPT, dùng ChatGPT để tìm kiếm những ý tưởng mới cho những tiết học. Sinh viên sẽ xem ChatGPT như một "mentor" giúp điều chỉnh tốc độ học tập.
Khi kết thúc học phần, giáo sư Vũ nhận thấy các sinh viên tiến bộ đáng kể so với các khóa trước cùng học học phần này. Trong bài thi cuối kỳ, các sinh viên đều cho thấy rất nhiều ý tưởng mới mẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sinh viên có nhiều góc nhìn thực tiễn áp dụng công nghệ vào cuộc sống.
Tuy nhiên, giáo sư Vũ cho rằng cần làm rõ những mong đợi ở AI và ChatGPT trong học tập. Đó không hẳn là những thứ mà sinh viên phụ thuộc để có kiến thức. Mà đó là công cụ để các bạn phát triển các kỹ năng như tra cứu, tổng hợp,… giúp ích cho học tập và công việc sau này.
Cũng đã cho sinh viên dùng ChatGPT cho việc học, giáo sư Chakkaphan Sutthirat - Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) - cho rằng để sinh viên tận dụng tốt các ứng dụng AI, thì phải cho "đầu vào" của người thầy phải chất lượng. Không nên đơn thuần kêu gọi sinh viên sử dụng ChatGPT cho việc học.
Thay vào đó, người thầy cần đặt những đầu bài cụ thể, chẳng hạn hướng dẫn nên dùng AI vào những bài học nào và sẽ đạt được những mục tiêu gì; hoặc đưa ra các bài tập cụ thể để sinh viên dùng ChatGPT như một công cụ bổ trợ để giải quyết.
Giáo sư Chakkaphan Sutthirat ví dụ có thể đưa ra những đầu bài sinh viên sẽ lập luận phản biện ChatGPT. Sinh viên sẽ kiểm tra một lần nữa các thông tin, luận điểm được ChatGPT cung cấp. Từ đó, sinh viên sẽ rèn luyện góc nhìn đa chiều cho mình.
Giáo sư Gunhee Kim - từ Đại học Quốc gia Seoul, chuyên ngành máy học - cho rằng để đưa được trí tuệ nhân tạo vào chương trình và khuyến khích được sinh viên, thì các giảng viên sẽ phải thay đổi cách đánh giá. Không nên đánh giá qua những bài luận, vì ChatGPT đã có thể làm được. Có thể đánh giá thông qua những bài thuyết trình, thảo luận, nhờ vậy sinh viên sẽ phát huy được tư duy tốt hơn.
Từ cột mốc ChatGPT, cần cập nhật chương trình đào tạo
PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng ChatGPT là một cột mốc lớn. Trước làn sóng của cuộc cách mạng AI hiện tại, chương trình công nghệ thông tin cần được cập nhật liên tục theo những nghiên cứu mới và thực tế cuộc sống.
Muốn như thế, các trường đại học trong và ngoài nước cần tăng cường kết nối để chia sẻ nguồn lực. Không chỉ là nhân lực nghiên cứu, giảng dạy, mà còn là các công nghệ, dữ liệu,… để có thể cùng phát triển trong ngành trí tuệ nhân tạo.