Tạo hoá sinh ra bất kỳ loài vật nào cũng có nhận thức và tư duy. Chúng biết đau đớn, biết sợ hãi, biết bảo vệ và dành tình yêu thương cho con cái, biết phân biệt đồng loại, biết ham sống sợ chết… vì vậy loài vật cũng cần được sống cuộc sống của mình, chứ không phải bị buộc trở thành món ăn cho con người. Chính vì suy nghĩ đó, mà hiện nay nhiều người đang chọn cho mình một lối sống “thuần chay”, như một cách để yêu thương và bảo vệ động vật.
“Nếu chúng được tiêm thuốc tê, hay làm gì đó để không đau đớn trước khi bị giết mổ, thì có lẽ em cũng không ăn chay đâu”, chia sẻ của Ngọc Uyên, một bạn trẻ đã trải qua hơn 13 năm giữ thói quen thuần chay. Lúc nhỏ, Uyên sống ở quê cùng gia đình, nên không ít lần phải chứng kiến cảnh mọi người giết heo, mổ vịt… nó trở thành nỗi ám ảnh đối với một đứa trẻ. Đến khi lớn lên, đó cũng động lực để Uyên tránh xa những món ăn liên quan đến động vật, vì trong Uyên suy nghĩ một điều “bản thân mình sợ đau, chỉ cần một vết cắt nhỏ trên tay cũng cảm thấy không chịu nổi, thì sao lại có thể tàn ác với động vật đến vậy, chúng chỉ không nói được để có thể than vãn, chúng cũng không có sức để chống đỡ lại con người… chúng cần được bảo vệ”.
Thực tế, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ có cùng một định hướng suy nghĩ như Uyên. Họ chọn lối sống thuần chay không phải vì tu đạo, cũng không hẳn vì sức khoẻ của bản thân và chỉ vì lỡ dành tính yêu thương cho những loài động vật yếu ớt. Trong số đó, không ít người thuộc tầng lớp trí thức cao như bác sĩ, doanh nhân.. những người có tư duy cùng sự hiểu biết rộng về giá trị dinh dưỡng cần thiết cho con người, và sự cân bằng trong tự nhiên. Sở dĩ cần nhấn mạnh những cá nhân đó, vì hiện nay vẫn có nhiều quan điểm cho rằng, những người ăn thuần chay là những người thiếu hiểu biết, và đang đi ngược lại với sự tiến hoá tự nhiên.
Không thể phủ nhận giá trị dinh dưỡng, cũng như giá trị “tinh hoa ẩm thực”, mà thịt động vật đem lại cho cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh được rằng tuy có hàm lượng ít hơn trong thịt động vật, nhưng những chất cơ bản cần thiết cho cơ thể như vitamin, khoáng chất, protein, chất béo, và carbohydrate đều có trong những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Cùng với công nghệ phát triển hiện nay, thì việc ăn chay đã không còn “nhàm chán” như trước. Khi mà nhiều loại thịt, chả,… có nguồn gốc thực vật được chế biến với màu sắc và hương vị hấp dẫn không thua hương vị những món “nguyên bản” là mấy. Tuy nhiên, cũng có nhiều người do e dè nguồn gốc của những sản phẩm được chế biến sẵn, họ vẫn chọn cách tự mình tạo ra những món chay từ nấm, rau, củ, đậu hũ… những món ăn này cũng không kém phần hấp dẫn, khi ngày càng có nhiều công thức các món chay được ra đời. Chỉ cần một cú nhấp chuột, vô vàn công thức món chay ngon, bổ sẽ được bày ra trước mắt để bạn có thể lựa chọn.
Nếu là một người không biết nấu ăn, bạn cũng đừng quá lo lắng. Vì hiện nay có rất nhiều quán chay, nhà hàng chay được mở ra để phục vụ cho nhu cầu của đông đảo cộng đồng ăn chay. Bản thân tôi cũng đã từng coi việc ăn chay là một điều gì đó rất khó khăn. Nếu lỡ “nguyện” ăn chay 3 ngày, thì với tôi 3 ngày đó dài như 3 thế kỷ. Nhưng đó chỉ là khi tôi chưa biết đến sự phong phú của “nền ẩm thực chay”, mà chỉ quay đi quẩn lại với vài món ăn thuần tuý tại nhà như: đậu hũ chiên, nấm kho… tôi đâu biết mình có thể dễ dàng được ăn những tô phở thơm ngon, những nồi lẩu thái hấp dẫn, những mẹt bò lá lốt thơm ngút ngàn… từ những quán chay mọc lên như “nấm mọc sau mưa” như hiện nay. Thật sự những “cây nấm” ấy rất “ngon”, và cũng giúp dần tập cho tôi một thói quen tốt trong việc hạn chế sử dụng thực phẩm liên quan đến động vật.
Thật sự, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để chiến thắng bản thân trước sự cám dỗ của những món ăn ngon từ động vật, nhiều người cảm thấy giá trị cuộc sống này như mất đi một nửa nếu bỏ lỡ những món ngon vật lạ trên đời . Do đó, đối với những người giữ được thói quen ăn uống thuần chay chỉ vì tình thương đối với động vật, thì có lẽ với họ cuộc đời này “ăn chỉ để sống”, chứ không phải “ăn để sướng”. Họ đáng để tôn trọng không? họ đáng để nể phục không? Và hơn hết họ đáng để trân trọng không? Tất cả câu trả lời đều là “có”. Nếu không bàn đến những yếu tố về mặt dinh dưỡng, hay giá trị nhân đạo mà họ đem lại cho cuộc sống này. Thì tôi cũng tin rằng những người có thể từ bỏ được những ham muốn của bản thân, để bảo vệ những loài khác yếu hơn, thì họ sẽ không bao giờ “xử tệ” với đồng loại. Thói quen sống của một người phần nào đó nói lên nhân cách của họ, nên thói quen tốt thì nhân cách chắc hẵn cũng sẽ đáng được trân trọng.