Năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM ghi nhận ở mức khá cao 76,2 tuổi, so với trung bình của cả nước là 73,6 tuổi. Tuy tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh khá thấp, chỉ đạt 64 tuổi.

Thông tin này vừa được ông Phạm Chánh Trung - chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM - báo cáo tại Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2022 với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững" và kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26-12.

Dẫn lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - nguyên trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, ông Trung nói rằng việc thực hiện tốt công tác dân số là yếu tố cơ bản nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội.

Tại hội nghị, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, năm 2022, có 449.038 người cao tuổi của TP.HCM được lập hồ sơ khám sức khoẻ định kỳ, đạt tỷ lệ vượt 15% so với năm 2021; 577.434 trường hợp dùng các biện pháp tránh thai, đạt 128% so với kế hoạch; tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho hơn 28.172 cặp nam, nữ thanh niên ra đăng ký kết hôn. Bên cạnh đó, TP.HCM triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Năm 2022, tại TP, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 86,3%, vượt chỉ tiêu giao (85%); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 83,4%, vượt tiêu chuẩn giao (82%); tư vấn và khám sức khoẻ trước hôn nhân hơn 28.000 lượt.

Bên cạnh các thành tựu đạt được, công tác dân số của cả nước đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như mức sinh giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước còn chênh lệch đáng kể; mất cân banhgfw giới tính khi sinh tăng nhanh; chỉ số phát triển con người (HDI), cùng với tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc "già hóa dân số".

Cụ thể năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM ghi nhận ở mức khá cao 76,2 tuổi, cao hơn so với cả nước là 73,6 tuổi. Tuy tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi.

Điều này theo đánh giá một phần xuất phát từ việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn bị giới hạn nhất định, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng tại TP.HCM.

TP.HCM cũng là địa phương được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. "Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội..." - ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành dân số tích cực tham mưu trình HĐND TP.HCM Dự thảo về chính sách dân số tại TP.HCM đến năm 2030, trong đó tập trung các giải pháp vào việc hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, khuyến khích, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách “sinh đủ hai con”. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y Tế TP.HCM đã biểu dương những kết quả đạt được trong công tác dân số, nhưng báo động về mức sinh thấp và rất thấp của TP. Do đó, để phát triển nhanh và bền vững nguồn lực của đất nước, điều kiện then chốt là cần phải nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy, chính quyền và nhân dân TP tích cực hưởng ứng thông điệp chủ đề dân số năm 2022 “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”.

Ngoài ra, theo ông Trung, về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang được kiểm soát, nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp can thiệp hiệu quả thì tỉ suất giới tính khi sinh vẫn có thể tăng trở lại trong thời gian tới.