YOGA TRỊ LIỆU - LIỀU THUỐC CHỮA LÀNH VÀ PHÒNG BỆNH HIỆU QUẢ
Được biết đến là liệu pháp cải thiện sức khoẻ và mang lại suối nguồn tươi trẻ, Yoga từ lâu đã mang đến những giá trị tích cực, đại diện cho một lối sống lành mạnh, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa thân tâm.
KHÁC BIỆT GIỮA YOGA TRỊ LIỆU & YOGA
Ngày nay, không ai là không biết đến Yoga-thường được hiểu đơn giản là thông qua những bài tập mang đến sự chuyển đổi, giúp trẻ hoá, tăng sự dẻo dai, sức đề kháng…cho người tập.
Nhưng để thực sự hiểu sâu hơn về cơ chế chữa lành của phương pháp có tuổi đời hơn 5000 năm đến từ Ấn Độ - một những nền văn minh cổ xưa nhất thế giới, thì cần phải có sự hiểu biết và được sự hướng dẫn từ những vị thầy có nhiều kinh nghiệm.
KHƠI THÔNG SỰ TẮC NGHẼN - TUÔN TRÀO SỨC SỐNG, SỰ THAY ĐỔI MẦU NHIỆM
Theo các bậc thầy Yoga từ ngàn năm trước, cơ thể con người là sự kết hợp của 2 yếu tố tâm hồn và thể xác, khi một trong hai yếu tố thiếu cân bằng sẽ gây ra sự tắc nghẽn & rối loạn trong cơ thể, khi không hiểu cơ chế này người ta sẽ gọi vấn đề này là “bệnh”.
Vậy tập Yoga chính là cách khai thông những nguồn năng lượng trong cơ thể vật lý, từ đó mang đến sự cải thiện về sức khoẻ & tâm hồn.
Điểm cơ bản khác biệt giữa Yoga chữa lành với Yoga thông thường chính là khi thực hiện trị liệu sẽ chú trọng vào những vùng cần phục hồi, trong khi Yoga thông thường tạo ra sự chuyển đổi toàn bộ cơ thể.
Theo các chuyên gia, cảm xúc tiêu cực, lối sống, stress…đóng vai trò rất lớn trong việc gây ra các vấn đề về sức khoẻ. Mỗi khi có trải nghiệm cảm xúc u sầu, thiếu tự tin, tức giận…sẽ làm thay đổi nồng độ hormone và mô dây thần kinh trong hệ thống thần kinh, lâu dần sự tích tụ vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể vật lý khoẻ mạnh sẽ gây ra hàng loạt các “căn bệnh” bao gồm tim mạch, huyết áp, trầm cảm, ung thư…Hệ thống tâm trí-cơ thể phản ánh lịch sử cảm xúc của bạn.
MỘT SỐ LOẠI HÌNH YOGA CHỮA LÀNH
Tuỳ vào nhu cầu của người tập mà Yoga sẽ mang đến những trải nghiệm khác nhau, tất cả các điểm chung mà phương pháp này mang lại là sự bình an nội tại bằng sự tỉnh thức và nhẹ nhàng từ hơi thở, từ đó cải thiện các vấn đề từ thân tâm.
- Hatha yoga: Các bài tập hatha yoga rất phù hợp với người mới bắt đầu tập vì các động tác di chuyển chậm hơn so với những loại hình khác.
- Vinyasa, ashtanga và power yoga: Những loại hình yoga này sẽ có mức độ “thử thách” cao hơn so với Hatha yoga. Tuy nhiên, độ khó sẽ phụ thuộc vào giáo viên hướng dẫn của bạn.
- Iyengar yoga: Gồm các động tác được thực hiện chậm rãi, với nhiều chi tiết. Loại hình này tập trung vào chi tiết của từng tư thế, sự điều chỉnh cơ thể và có sử dụng các dụng cụ yoga hỗ trợ.
- Bikram hay hot yoga: Gồm hai kỹ thuật thở và 26 tư thế lặp lại theo thứ tự trong 90 phút, kết hợp với môi trường tập luyện ở nhiệt độ cao khoảng từ 35 – 40 độ C. Tuy nhiên một số người nhạy cảm với nhiệt độ hoặc đang gặp phải một số vấn đề về sức khỏe có thể thấy hot yoga không thoải mái.
- Kundalini yoga: Thường được sử dụng như một loại yoga chữa bệnh. Loại hình yoga này có sự kết hợp giữa thiền, tụng kinh và các yếu tố tâm linh.
- Viniyoga: Loại hình yoga này tập trung vào quá trình hít thở và thiền định. Viniyoga phù hợp với những người bị giới hạn trong việc vận động, những người muốn luyện tập từ trong ra ngoài, những người muốn trải nghiệm cảm giác thư giãn, muốn nhận thức rõ hơn về cơ thể và tư thế.
- Jivanmukti: Là một chuỗi các động tác kết hợp thiền, đồng cảm, tụng kinh và lắng nghe. Jivanmukti phù hợp với những người muốn kết hợp yếu tố tâm linh và giáo lý cổ xưa của yoga vào trong quá trình luyện tập.
- Yin: Một chuỗi các động tác chủ yếu ở tư thế nằm và ngồi, mỗi tư thế được giữ yên từ 3 – 5 phút. Loại hình yoga này phù hợp với những người bị đau mạn tính, căng cơ hoặc trầm cảm. Yin yoga có tác dụng giải phóng căng thẳng, tái tạo, trẻ hóa phạm vi hoạt động của các cơ và mô liên kết.
- Restorative: Gồm các tư thế rất nhẹ nhàng được giữ yên trong 10 phút cùng với sự hỗ trợ của các dụng cụ tập yoga như chăn, đệm và dây đai. Tương tự như yin yoga, loại hình yoga này có tác dụng làm dịu hệ thần kinh, phù hợp với những người bị đau mạn tính, trầm cảm. (Leep)
Nguyên Thảo