Sả là một loại cây rất quen thuộc, được sử dụng rất nhiều để chế biến những món ăn. Nhưng ngoài việc dùng làm gia vị, thì sả còn là một vị thuốc được sử dụng nhiều trong dân gian. Vậy thật sự thì sả mang đến những tác dụng gì đối với sức khỏe?
Tìm hiểu về cây sả
Cây sả (củ sả) với tên tiếng Anh là lemongrass. Sả còn được biết đến với tên khoa học là Cymbopogon citratus (L.) Pers, họ lúa (Poaceae). Tại Việt Nam, sả được trồng và sử dụng phổ biến ở khắp ba miền, loại cây này có sự gắn bó thân thuộc đối với đời sống hằng ngày của người dân.
Sả là loài cây bụi, lá hẹp và dài có màu xanh lục đậm, thường được dùng nhiều trong việc chế biến các món ăn hoặc làm thành tinh dầu. Tinh dầu sả có hương thơm rất đặc trưng và dễ chịu, được dùng nhiều để xông hơi tạo mùi thơm dễ chịu, giúp không khí trong lành, giảm cảm giác căng thẳng và nâng cao tinh thần.
Trong y học cổ truyền, cây sả có tên thuốc là hương mao hay hương thảo, có vị cay the, thơm, tính ấm. Lá cây sả chứa 0,4-0,8% tinh dầu ở dạng dễ bay hơi, thân cây sả chứa 75-85% hương thơm, Củ sả chứa 1 - 2% tinh dầu có màu vàng nhạt. Thành phần chủ yếu của củ sả là citral (65 - 85%), geraniol (40%).
Khám phá công dụng tuyệt vời của cây sả đối với sức khỏe
1/ Sả giúp giảm cân
Cây sả với tính ấm, nóng có khả năng đốt cháy mỡ thừa, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, lưu thông khí huyết. Bác sỹ Phạm Hương Củng, nguyên Vụ trưởng viện Y học cổ truyền cho hay: ” Sả có tính ấm, khi dùng sả giúp gia tăng quá trình tiêu hao năng lượng, từ đó làm giảm dần lượng mỡ tích tụ trong cơ thể”.
Sả có khả năng giảm lượng calo trong món ăn rất hiệu quả, nên thường được người Thái áp dụng, và mang lại kết quả thực sự tốt. Với họ, sả có công dụng như ớt với khả năng đốt cháy mỡ thừa, thúc đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và giúp máu lưu thông tốt hơn. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, đã phát hiện ra rằng việc hít những thành phần của tinh dầu sả, làm giảm khả năng ăn và chậm tăng cân.
2/ Hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt
Tính ấm của sả có tác dụng rất tốt đối với chị em phụ nữ. Theo chia sẻ của nhiều người, bạn có thể kết hợp vài giọt tinh dầu sả với một ít bột tiêu đen, hòa cùng nước để uống dần. Trong những ngày đến tháng, chị em phụ nữ cũng có thể sắc sả lấy nước, hoặc ép sả tươi để lấy nước uống, nó sẽ có tác dụng giảm đau bụng rất tốt và điều hòa kinh nguyệt.
3/ Hỗ trợ và ngăn ngừa ung thư
Sả là loại cây có chứa nhiều hợp chất citral, theo nhiều nghiên cứu thì chất này có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa, tiêu diệt các tế bào ung thư, mà không gây ảnh hưởng đến những tế bào khỏe mạnh khác.
Bên cạnh đó, trong sả còn có chứa thành phần beta-carotene-1 là chất chống oxi hóa cũng có tác dụng giúp cơ thể chống chọi lại với bệnh ung thư. Các chuyên gia cũng khuyến khích việc cho sả vào thức ăn, hoặc ép sả làm nước uống thay cho trà.
4/ Tốt cho hệ tiêu hóa
Sả có công dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa, chữa trị đầy hơi, kích thích hệ tiêu hóa. Là loại cây có chứa tinh dầu và mùi thơm, vị cay tính ấm, nên trong y học cổ truyền sả được xếp vào nhóm thuốc hành khí, giúp điều trị các chứng đầy hơi, nê trệ của đường tiêu hóa. Do vậy, việc sử dụng sả vào trong ẩm thực ngoài việc kích thích vị giác, tạo sự ngon miệng thì còn giúp kích thích tiêu hóa. Cùng với đó, sả còn khử mùi hôi miệng và tiêu đờm.
5/ Tác dụng kháng viêm của sả
Một nghiên cứu vào năm 2010 đã cho thấy khả năng tuyệt vời của sả trong việc điều trị các bệnh lý về viêm nhiễm. Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, hai trong số các hợp chất chính trong sả, citral và geraniol, được cho là đã tạo nên lợi ích chống viêm của nó.
Ngoài ra, sả có chứa quercetin, một loại flavonoid được biết đến với công dụng chống oxy hóa và chống viêm. Quercetin làm giảm viêm, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và ngăn ngừa bệnh tim.
6/ Công dụng giảm đau của sả
Hoạt chất citral trong tinh dầu sả có thể giúp giảm đau, vì nó làm giảm các triệu chứng viêm. Theo nghiên cứu vào năm 2017, ở những người bị viêm dạng thấp khớp, sử dụng dầu sả bôi lên chổ đau sẽ làm giảm những cơn đau cho viêm khớp của họ. Tinh dầu sả còn được sử dụng làm hương liệu trị các chứng đau cơ, đau khớp. Hoặc sử dụng bằng cách thoa trực tiếp tinh dầu lên vùng da bị đau, để giảm triệu chứng đau đầu, đau bụng, đau cơ...
Tuy nhiên, vì là loại được liệu hoàn toàn tự nhiên nên tác dụng giảm đau của sả thường không đến ngay lập tức, mà cần sử dụng trong một thời gian dài để thấy được hiệu quả.
7/ Giúp điều hòa huyết áp và hạ sốt
Sả có công dụng trong việc hỗ trợ quá trình tuần hoàn máu, lợi tiểu. Do vậy, theo các chuyên gia về sức khỏe, bạn nên uống một ly nước sả nếu đang gặp phải tình trạng huyết áp cao.
Tính ấm của sả còn có tác dụng hỗ trợ trong việc điều trị những cơn sốt rét, cảm lạnh, cúm thông thường.. bằng cách nấu nước uống, hoặc ép nước tươi để sử dụng.
8/ Tác dụng giải độc
Cây sả có thể giúp cơ thể loại bỏ axit uric và những chất độc hại khác. Do vậy, việc sử dụng sả để pha thành nước uống, hoặc chế biến thành các món ăn sẽ có tác dụng giải độc gan, tuyến tuỵ, hệ tiêu hoá, bàng quang và thận. Không chỉ vậy, sả còn có tác dụng làm thanh lọc cơ thể bằng cách tăng cường đào thải nươc tiểu.
Nước sả còn có công dụng giải độc rượu rất nhanh. Đối với những người đang say rượu, chỉ cần uống một ly nước sả sẽ nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo, đỡ nhức đầu, mệt mỏi.
9/ Sát khuẩn và làm đẹp da
Theo một nghiên cứu được đăng lên báo tại Brazil, các nhà khoa học đã sử dụng sả để điều trị nhiễm trùng staph và phát hiện ra đặc tính sát khuẩn của sả. Sả sau khi được làm sạch, dùng để đắp lên da hoặc rửa vết thương cũng có tác dụng chống lại nhiều loại bệnh nhiễm trùng, và nấm trên da.
Tinh dầu sả cũng là một loại nguyên liệu không thể thiếu trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, vì nó mang lại nhiều lợi ích tốt cho da. Trong đó có thể kể đến như: kháng viêm do mụn nhọt, giảm mụn trứng cá, cải thiện chất lượng da, làm săn chắc các mô và cơ trên cơ thể.
10/ Sả rất tốt cho hệ thần kinh
Sả có thể giúp cải thiện, tăng cường chức năng hệ thần kinh. Cây sả đem lại hiệu quả đáng kể trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh rối loạn thần kinh như: động kinh, co giật, chóng mặt, chân tay run rẩy, căng thẳng mệt mỏi, Alzheimer, Parkinson.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng sả
Sả là loại cây có công dụng tốt đối với sức khoẻ, việc sử dụng nó thường xuyên cũng tương đối an toàn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề, để tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
- Phụ nữ mang thai không nên ăn sả: Khi mang thai không nên ăn sả hoặc những thực phẩm có chứa sả, vì như vậy sẽ khiến tử cung bị kích thích, làm tăng nguy cơ sảy thai.
- Không nên uống hay ngửi trực tiếp tinh dầu sả: Khi ngửi trực tiếp tinh dầu, bạn có thể sẽ gặp vấn đề liên quan đến phổi, và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu nuốt phải thuốc chống côn trùng làm từ tinh dầu sả.
Hy vọng, những thông tin trong bài viết có thể giúp bạn nắm rõ những tác dụng của cây sả, để áp dụng nó một cách tốt nhất, phục vụ cho cuộc sống mỗi ngày.