Ho là triệu chứng bệnh lý thường gặp khi chúng ta bị cảm, do ảnh hưởng khí hậu, thời tiết… dù không hiếm gặp nhưng đây lại là triệu chứng gây cảm giác ngứa, đau rát, khó chịu cho người bệnh, do vậy cần có những biện pháp hữu hiệu để điều trị sớm tình trạng này. Bên cạnh những loại thuốc tây, thuốc kháng sinh.. thì bạn cũng có thể tìm hiểu thêm một số bài thuốc dân gian để giảm ngay cơn ho.

Những bài thuốc dân gian được lưu truyền từ đời ông bà thường rất hay, nguồn nguyên liệu lại dễ kiếm và cách làm cũng rất đơn giản.

1/ Cây hẹ

Hẹ trong dân gian là một bài thuốc đã được lưu truyền từ rất lâu. Theo nhiều tài liệu cổ, công dụng chính của hẹ là làm ấm lưng gối, bổ can thận,… thường dùng để làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, di mộng tinh, đặc biệt hẹ có công dụng rất tốt trong việc cắt đứt những cơn ho.

Công thức:

  • Nguyên liệu: 5-10 lá hẹ, đường phèn.
  • Cách làm: Hấp cách thuỷ lá hẹ cùng với đường phèn, sau đó chắt lấy nước uống. Mỗi lần khoảng 2-3 muỗng cà phê, mỗi ngày uống 2 lần.

2/ Rau diếp cá

Rau diếp cá hay còn gọi là giấp cá, cây lá giấp hoặc ngư tinh thảo. Diếp cá có vị cay, chua, tính mát, tác động vào kinh can và phế. Ngoài công dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc, thoát mủ (đối với người bị mụn nhọt), giảm sưng tấy, sát khuẩn, lợi tiểu, chống viêm, thì rau diếp cá còn được xem là một vị thuốc kháng sinh tự nhiên giúp trị ho hiệu quả.

Công thức:

  • Nguyên liệu: lá rau diếp cá, nước vo gạo.
  • Cách làm: rau diếp cá rau khi rửa sạch thì cho vào cối giã nhuyễn (hoặc có thể bỏ vào máy xay nhỏ). Cho nước vo gạo, cùng phần rau diếp cá đã giã vào nồi nấu sôi lên, giảm lửa nhỏ nấu thêm khoảng 20 phút, sau khi phần rau nhừ thì lọc sạch bã để lấy nước uống. Mỗi ngày 2,3 lần sau bữa ăn khoảng 1 tiếng.

3/ Rau cải cúc

Trong Đông y học, rau cải cúc (hay rau tần ô) có vị hơi đắng, ngọt nhạt, the nhẹ, mùi thơm, tính mát. Rau thường được dùng để nấu canh, ăn lẩu trong gia đình, nhưng nó cũng là một trong những vị thuốc chữa ho hiệu quả. Nếu là người lớn, thì chỉ cần dùng cải cúc để nấu canh ăn thường ngày giúp trị ho. Nhưng nếu là trẻ em thì cần thêm công thức để chế biến.

Công thức:

  • Nguyên liệu: lá rau cải cúc, mật ong.
  • Cách làm: thái nhỏ rau cải cúc và hấp cách thuỷ cùng mật ong, trong vòng khoảng 20 phút. Sau đó chắt lấy nước để uống, trong khoảng 3-5 ngày.

4/ Rau tía tô

Rau tía tô hay còn gọi là é tía, có tên tiếng Hán là Tử Tô. Đây là một loại rau có vị cay, ấm, tác động lên 3 kinh phế - tâm – kỳ, trị ho rất tốt và không hề có độc tố.

Công thức:

  • Nguyên liệu: lá tía tô, hoa khế, hoa đu đủ đực, đường phèn.
  • Cách làm: cho tất cả những nguyên liệu vào trong nước lọc và hấp cách thuỷ, khi nước sôi thì nấu trên lửa nhỏ  liu riu, để sôi càng lâu càng tốt. Sau khi nguội có thể cất vào chai thuỷ tinh để uống dần, lưu ý không cho vào tủ lạnh. Mỗi ngày uống khoảng nửa muỗng cà phê, uống từ từ theo cách thấm dần ở đầu lưỡi, từ ít đến nhiều.

5/ Hành tím, hành tây, tỏi, gừng và đường phèn

Đây là một bài thuốc kết hợp tuyệt vời từ những nguyên liệu tự nhiên, thường có sẵn trong mỗi gia đình, rất tốt trong việc điều trị những cơn ho.

Cách làm :

  • Hành tây cắt thành từng khúc nhỏ
  • Hành tím thái lát, trộn cùng với hành tây và bỏ vào 1 hũ thuỷ tinh.
  • Gừng gọt vỏ thái lát, cho cùng với tỏi đã lột sạch vỏ vào trong hũ.
  • Tiếp tục cho thêm 2 loại hành, gừng, tỏi và đổ thêm đường phèn đã được đập hoặc xay nhỏ (cũng có thể dùng đường cát), cho đến khi đầy lọ thì đậy kín.

Chỉ khoảng 4 tiếng sau bạn đã có một lọ thuốc ho theo phương pháp dân gian cực kỳ hiệu quả, và có thể sử dụng trong vòng đến 1 năm.

Những bài thuốc dân gian tuy lành tính, hiệu quả cũng cao nhưng cần lưu ý là chúng thường chỉ có công dụng khi bệnh vừa mới phát, hoặc tình trạng bệnh nhẹ, khi vi khuẩn vẫn còn ở khu vực hầu họng. Đối với những trường hợp ho, cảm lâu ngày, lúc này vi khuẩn đã di cư xuống phế quản và phổi (ho kèm theo đau rát, tiếng có âm vang, hoặc kèm theo sốt), thì nên đến ngay những cơ sở y tế để được thăm khám, và dùng những loại thuốc đặc trị phù hợp, để điều trị dứt điểm bệnh trong thời gian sớm nhất.