Ngày 24-2-2023 vừa qua là cột mốc đánh dấu tròn một năm sự kiện Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Song, trải qua một năm đầy đau thương và mất mát, cuộc chiến này vẫn chưa có tín hiệu sẽ sớm chấm dứt. Bên cạnh đó, thế giới cũng chưa biết được liệu rằng Nga hay Ukraine sẽ hài lòng với thắng lợi và những người "thua cuộc" đã thật sự lộ diện?

Các mốc sự kiện trong một năm diễn ra chiến sự Nga - Ukraine. Ảnh: Thiên Tấn.

Người dân trên khắp năm châu lo rằng thế giới phân cực trở lại nếu như cuộc giao tranh trên đất Ukraine vẫn chưa hề có dấu hiệu chấm dứt. Cuộc chiến của hai nước dường như đã khoét sâu sự khác biệt giữa các bên, không ngừng thúc đẩy căng thẳng chính trị và chạy đua vũ trang giữa lúc kinh tế toàn cầu còn ảm đạm.

Trước ngày 24-2-2022, kinh tế thế giới đã gặp rất nhiều sóng gió vì đại dịch COVID-19 và các nguyên nhân khác. Thế nhưng, khi Nga đưa quân vào Ukraine, chiến tranh nổ ra khiến kinh tế của cả Nga lẫn Ukraine đều điêu đứng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt,  các lĩnh vực thế mạnh của hai nước này là năng lượng và lương thực cũng đang ở bờ vực đáng quan tâm.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nguyên nhân chính tạo ra cuộc khủng hoảng lạm phát và giá năng lượng ở châu Âu và nhiều nơi là vì Nga chiếm 14% tổng cung ứng dầu cho thế giới năm 2021. Bên cạnh đó, 30% sản lượng lúa mì toàn cầu được cung cấp bởi Nga và Ukraine. Phần lớn số này xuất khẩu tới một phần Trung Đông, châu Phi và châu Á. Những con số này không chỉ được cảm nhận ở châu Âu mà cũng một phần phản ánh thực tế tác động từ cuộc chiến lên toàn thế giới.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, các nước Zimbabwe, Venezuela, Lebanon hay Argentina đứng đầu trong danh sách ảnh hưởng vì lạm phát giá lương thực. Thông qua các chỉ số làm phát lần lượt là 285%, 158%, 143% và 95%, có thể thấy rằng, bốn nước này đã "gồng gánh" rất nhiều.

Kể từ sau chiến tranh lạnh, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây được đánh giá là căng thẳng nhất. Bởi lẽ, trong thời kỳ toàn cầu hóa, căng thẳng địa chính trị nổ ra từ chiến sự kéo dài một năm đã khiến cho việc xử lý khủng hoảng kinh tế càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, cấm vận động viên Nga thi đấu các giải quốc tế, cho tới chuyện không dạy văn học Nga ở một số trường đại học... là một trong những cách được Phương Tây áp dụng vào từng bước tẩy chay "yếu tố" Nga trong hầu hết các lĩnh vực.

Đỉnh điểm đáng lo nhất của quan hệ thù địch này chính là khi Nga đã tuyên bố dừng tham gia hiệp ước New START. Từ đó, khả năng chạy đua vũ trang và sử dụng vũ khí hạt nhân trở thành vấn đề được lưu tâm vì thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng chỉ còn lại giữa Matxcơva và Washington. 

Trong tương lai, cục diện quốc tế sẽ được định hình bởi cuộc chiến Nga - Ukraine. Có thể dễ dàng nhận thấy sự "thay đổi ngầm" giữa các phe khi một nước vốn đã có mối quan hệ không êm ả với Mỹ là Trung Quốc đã có những biểu hiện xích lại Nga. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc liên tục được Nga tuyên bố ủng hộ những lập trường khác biệt giữa Bắc Kinh và phương Tây như tình hình Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương... Tất cả tạo ra mối lo về việc thế giới trở lại phân cực gay gắt đúng vào thời điểm mà toàn cầu hóa dường như lên ngôi.

Thủy Tiên